Bệnh viêm gan siêu vi E
1. Viêm gan siêu vi E
Bệnh viêm gan siêu vi (gọi tắt là viêm gan) E cho đến nay chưa hề có mặt tại các nước phát triển, nhưng loại virus chưa được biết rõ và đáng ngại này đang dần bành trướng một cách nguy hiểm tại châu Âu qua trung gian... các trại chăn nuôi heo.
Báo động đã đến từ một nhà dịch tễ học Hà Lan nhân hội nghị của Tổng hội Vi sinh học vào tháng 9-2007 : bệnh viêm gan E đang phát triển tại châu Âu, trong khi trước đây bệnh này hầu như là độc quyền của châu Á và một phần châu Phi. “Từ Đan Mạch đến Tây Ban Nha, tất cả mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng” - bác sĩ Erwin Duizer tuyên bố. Thế nhưng viêm gan E là một chứng bệnh đôi khi gây chết người, chưa được biết rõ và chưa có thuốc điều trị. Do đó giới chức châu Âu rất lo ngại và cộng đồng khoa học đang huy động toàn lực để tìm hiểu về căn bệnh này.
2. Viêm gan E là gì?
Lúc đầu đó là một bệnh thông thường với các triệu chứng như vàng da, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng dưới, rồi sau đó bệnh sẽ tự khỏi. Nhưng virus gây bệnh (VHE) được phát hiện vào năm 1980 có thể gây ra nhiễm trùng gan cấp tính rất nghiêm trọng. Phương cách điều trị duy nhất là ghép gan. Kết quả là tỉ lệ tử vong do viêm gan E trên toàn thế giới có thể đạt đến 4% trong khi viêm gan A chỉ chưa đến 0,02%. Vì những lý do chưa được biết, tử suất ở phụ nữ có thai thậm chí lại vượt quá 20%, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Đến 1/3 số trường hợp bị sẩy thai và trẻ chết khi mới lọt lòng.
Nhưng căn bệnh này gây lo ngại cho giới bác sĩ vì khuynh hướng kéo dài của nó, thậm chí trở thành mãn tính ở những người trên 50 tuổi giống như ở các bệnh nhân đang sống với virus HIV hoặc đang có một bệnh lý về gan khác. Cho đến nay, những khu vực mà viêm gan E hoành hành nhiều nhất là Trung Á, Đông Nam Á, Bắc và Tây Phi, Mêhicô. Và những trường hợp phát hiện bệnh hiếm hoi tại châu Âu là do các du khách mắc phải từ nước ngoài. Nói chung các dòng virus đó đều thuộc loại 1 và loại 2 (những loại virus có mặt tại các nước đang có dịch). Nhưng từ vài năm nay tình thế đã thay đổi và nước Pháp cũng không được loại trừ. Ngày càng có nhiều người dân Pháp mắc phải viêm gan E loại 3.
Theo bác sĩ chuyên khoa Jean-Pierre Zarski thì không còn nghi ngờ gì nữa, bệnh viêm gan E đang có chiều hướng phát triển. Erwin Duizer, người đã lên tiếng báo động, đưa ra nhận định đầu tiên: “Nguyên nhân hàng đầu chính là những trại chăn nuôi heo”. Quả thật loại gia súc này là vật chủ quan trọng nhất của virus gây bệnh. “Từ 30 đến 55% số heo chăn nuôi đã từng tiếp xúc với VHE loại 3” - bác sĩ thú y Marc Eloit nhận định.
Nhưng dòng virus loại 3 này từ đâu mà ra? “Giống như virus HIV, những kiểu gène khác nhau của VHE bắt nguồn từ một tổ tiên chung cách đây hàng ngàn năm” - Marc Eloit giải thích. Nhưng từ nay mỗi kiểu gène đều phát triển riêng rẽ, và loại 3 không phải do sự hợp nhất hay đột biến của loại 1 hay loại 2 vốn không có tại châu Âu. Có lẽ các điều kiện chăn nuôi đông đúc đã thúc đẩy sự phát triển của dòng virus này. Sau đó dòng virus này lại đi ra thiên nhiên, nhất là trong những kênh rạch. Cũng giống như các loại virus không có vỏ, VHE khá bền bĩ trong môi trường. Người ta tìm thấy chúng trong 20% sông ngòi ở Hà Lan.
Còn tại Pháp, virus này hiện diện rất nhiều quanh vùng Toulouse, giữa Marseille và Cannes, nhưng lại không hề có ở Bretagne, nơi có rất nhiều trại chăn nuôi heo. Điều này có thể giải thích qua đặc tính lọc của đá granit ở tầng đất ngầm, nhưng điều này còn phải được kiểm chứng. May thay, chưa có nguy cơ sẽ phát triển dịch bệnh trong nước uống vì Pháp có các hệ thống lọc nước ngăn ngừa mọi sự lây nhiễm trên diện rộng. Còn một khả năng nữa là sự lây truyền qua phân, tay nắm cửa hay những cái bắt tay giống như trường hợp của bệnh viêm đường ruột, nhưng ở đây các chuyên gia lại không mấy lo ngại. Lượng VHE trong phân rất ít, trong khi số lượng virus cần thiết để lây nhiễm lại khá lớn. Tuy nhiên những trường hợp lây nhiễm cá biệt sẽ ngày càng tăng mà nguyên nhân là do dùng nước không phải nước máy, ăn thịt tái và đồ biển. Trong năm 2007 nước Anh có ít nhất 21 ca lây nhiễm do dùng thịt heo. Và người ta đã tìm thấy VHE trong gan heo bán tại Mỹ. Nhưng hiện thời người ta vẫn chưa biết việc ướp muối hay hun khói thực phẩm có thể ức chế virus hay không. Và sự gần gũi với thú vật mang virus cũng là một nguy cơ lây nhiễm. Bệnh viêm gan E thường lây cho những người già sống tại vùng nông thôn, trong các trại chăn nuôi.
3. Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Thời gian ủ bệnh khá dài, từ vài tuần đến vài tháng sau khi virut xâm nhập vào cơ thể. Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi toàn thân làm cho nhầm tưởng là cảm cúm. Thời kỳ toàn phát là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu hoặc trắng như phân cò, sau đó xuất hiện rối loạn tiêu hoá như đau bụng lâm râm, buồn nôn, nôn, chán ăn, có thể bị tiêu chảy.
Trong giai đoạn khởi đầu và toàn phát, men gan thường tăng cao, sắc tố mật trong máu cũng tăng cao, đặc biệt là thời kỳ có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, phân bạc màu. Siêu âm gan sẽ phát hiện được những thay đổi về gan (như kích thước to, đường mật trong gan giãn…).
Cấu trúc virus viêm gan E.
4. Chữa trị bệnh viêm gan E như thế nào?
Cũng giống như bệnh viêm gan virus A, B, C, D, tỷ lệ bệnh nhân viêm gan E tự khỏi, không cần chữa trị bất kỳ bởi một loại thuốc nào là khoảng 90%. Những trường hợp không tự khỏi (do xét nghiệm siêu âm và sinh thiết gan… mà biết), cần nghỉ ngơi tuyệt đối, không được uống rượu, bia. Cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào để điều trị tiêu diệt mầm bệnh viêm gan, trong đó có bệnh viêm gan E. Về Tây y, đã có một số thuốc nhằm ức chế sự phát triển virut viêm gan và kích thích cơ thể sinh kháng thể để chống lại virut. Tuy vậy, trước khi dùng các loại thuốc này, người bệnh nhất thiết phải được khám bệnh và chẩn đoán của thầy thuốc để có chỉ định dùng thuốc đúng.
5. Phòng bệnh viêm gan E virus như thế nào?
Bệnh viêm gan virus E liên quan mật thiết với vệ sinh môi trường, đặc biệt là sau lũ lụt. Do vậy, phòng bệnh viêm gan E cũng bao hàm cả phòng bệnh viêm gan A, chỉ khác là đối với bệnh viêm gan E hiện nay chưa có vắc-xin dự phòng. Do vậy, cần vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh môi trường thật tốt, đặc biệt là trước, trong và sau mưa lũ; Cần có biện pháp quản lý phân và chất thải sau mưa lũ, đặc biệt là các huyện miền núi, các vùng triền sông hay có lũ, lụt.