Bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được định nghĩa như là một sự tích luỹ của chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan hoặc quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt mỡ. Gan nhiễm mỡ được phát hiện trong khoảng một phần ba các trường hợp khám nghiệm tử thi của những người khỏe mạnh tử vong do tai nạn . Trong hầu hết các trường hợp, chất béo ứ đọng chủ yếu là triglycerides, nhưng trong một vài trường hợp thì phospholipids chiếm đa số. Gan bình thường chứa khoảng 5 g lipid cho mỗi 100 g trọng lượng của gan, trong đó khoảng 14% là triglyceride, 64% là phospholipids, 8% cholesterol, và 14% là các acid béo tự do. Trong gan nhiễm mỡ, lượng chất béo chiếm có thể chiếm đến 50% trọng lượng của gan, trong đó hơn một nửa là các triglyceride. Gan nhiễm mỡ có thể là một kết quả của rất nhiều bệnh, bao gồm nghiện rượu, các bệnh về chuyển hóa, các rối loạn về dinh dưỡng, và của việc sử dụng thuốc. Sự tích luỹ chất béo sự phân bố trong các tiểu thuỳ gan, sự phân bố này phụ thuộcvào nguyên nhân và sự kéo dài của tình trạng gan nhiễm mỡ. Chất béo ứ đọng trong tế bào gan có thể ở dạng macrovesicular (những hạt mỡ lớn đẩy lệch nhân) hoặc microvesicular (rất nhiều hạt mỡ nhỏ nằm xung quanh nhân tế bào) tuỳ thuộc vào diễn tiến của bệnh.
I. Phân loại gan nhiễm mỡ
Trên siêu âm chia gan nhiễm mỡ làm 3 độ:
- Độ 1: gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
- Độ 2: gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều.
- Độ 3: gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.
Theo sinh thiết tế bào gan:
- Loại nhe (hàm lượng mỡ chiếm 5-10% trọng lượng gan)
- Loại vừa (hàm lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan)
- Loại nặng (hàm lượng mỡ trên 30% trọng lượng gan)
Dịch tễ học gan nhiễm mỡ:
Là bệnh phổ biến của cuộc sống hiện đại ngày nay, tỷ lệ bệnh nhân gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng ở các nước phát triển cũng như đang phát triển trong đó có Việt Nam. Theo các nghiên cứu về dịch tễ học, cho thấy:
- Tỷ lệ GNM ở nam cao hơn ở nữ.
- Tỷ lệ GNM trong dân số tại các nước là 10- 24% và tỷ lệ này gia tăng đến 57,5- 74% ở những người béo phì.
- Sự liên quan giữa béo phì với GNM biến thiên từ 30- 100%, tiểu đường typ II là 10- 75%, tăng lipid máu là 20- 92%.
- Như vậy nguy cơ mắc GNM tăng gấp 4,6 lần ở những người béo phì. Dạng béo bụng dường như là một nguy cơ mắc bệnh GNM, ngay cả khi bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.
- Sự hiện diện của tiểu đường typ II làm gia tăng nguy cơ và độ nặng của bệnh GNM. Và sự kết hợp tiểu đường và béo phì là một yếu tố nguy cơ cộng lực. Trong số các bệnh nhân béo phì nặng có tiểu đường, 100% được tìm thấy mắc GNM nhẹ.
- Trong một nghiên cứu, khoảng ½ số bệnh nhân tăng lipid máu phát hiện có GNM. Tăng Triglycerides máu có nguy cơ mắc bệnh GNM hơn là tăng Cholesterol máu.
II. Cách triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ
1. Triệu chứng lâm sàng
Những người bị gan nhiễm mỡ đa phần đều không có triệu chứng bởi vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện của nó đều khó cảm thấy. Chỉ khi đi siêu âm, xét nghiệm máu hoặc chụp cắt lớp mới phát hiện được.
Tuy nhiên GNM có thể chỉ biểu hiện với triệu chứng mệt mỏi, đau tức hoặc nặng vùng gan, khi GNM nặng có thể sẽ có triệu chứng: đau bụng, vàng da, buồn nôn và nôn, gan to nhẹ. Ở những bệnh nhân gan nhiễm mỡ do những nguyên nhân khác nhau thì cũng có kèm theo những triệu chứng toàn thân và những dấu hiệu đặc trưng của những nguyên nhân đó.
2. Cận lâm sàng
Những bất thường về kết quả xét nghiệm của tình trạng gan nhiễm mỡ thường rất ít. Trong các trường hợp chỉ số enzym huyết thanh tăng thì chỉ số aspartate aminotransferase (AST) huyết thanh tăng cao rõ rệt so với chỉ số alanine aminotransferase (ALT), thường thì ALT ở mức bình thường. Dấu hiệu ứ mật với chỉ số alkaline phosphatase tăng cao rõ rệt có thể xuất hiện khi kèm theo đau vùng thượng vị phải, sốt, bạch cầu tăng và nó có thể gây nhầm lẫn với tắc ống mật ngoài gan. Chỉ số g -glutamyl transpeptidase cũng tăng nhưng không có giá trị để đánh giá mức độ tổn thương tế bào gan bởi vì nó thường tăng cao ở những bệnh nhân nghiện rượu không có tổn thương gan rõ rệt do sản sinh microsomal bởi rượu.
Các bất thường khác ít gặp hơn là tăng bilirubin huyết thanh trực tiếp và giảm albumin huyết thanh.
III. Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ
Mãn tính
- Nghiện rượu
- Bệnh béo phì (viêm gan nhiễm mỡ)
- Bệnh tiểu đường
- Tăng lipid máu
- Phẩu thuật nối hồi-hổng tràng
- Thiếu hụt dinh dưỡng protein-năng lượng
- Nuôi ăn qua đường tĩnh mạch
- Những rối loạn di truyền về oxi hóa acid béo ở ty lạp thể
- Các bệnh gan khác(viêm gan C mãn tính, bệnh Wilson )
- Bệnh hệ thống (viêm ruột, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải-AIDS)
Cấp tính
- Gan nhiễm mỡ trong thai kỳ
- Hội chứng Reye
- Bệnh ói mửa Jamaican
- Các chất độc dạng hợp chất (carbon tetrachloride, trichloroethylene, phosphorus, fialuridine)
- Thuốc (tetracycline, valproic acid, amiodarone, glucocorticoids và tamoxifen)
IV. Cách điều trị bệnh gan nhiễm mỡ
- Điều trị bệnh nguyên phát, nhất là lưu ý những nguyên nhân gây bệnh dễ bị bỏ sót như gan bị hủy hoại do thuốc; ngộ độc; tăng hay nhược năng tuyến giáp trạng; thiếu máu nặng hay tình trạng thiếu ôxy mạn tính do suy chức năng tim phổi...
- Điều trị bằng ăn uống, chỉnh đốn mất cân bằng dinh dưỡng.
- Duy trì cân nặng hợp lý và những tập luyện cần thiết.
- Duy trì mức bình thường tương đối của mỡ và đường máu.
- Chỉnh đốn hành vi và ý thức tự bảo vệ sức khỏe.
- Dự phòng hoại tử tế bào gan; chứng viêm và gan xơ hóa.
- Điều trị bằng thuốc: Đây là cách hỗ trợ, việc dùng thuốc hỗ trợ hợp lý phải được tiến hành dưới sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
V. Cách phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Để phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ chúng ta cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động hợp lý, theo dõi tái khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ.
Chế độ ăn
- Giảm ăn các thực phẩm giàu cholesterol như các loại phủ tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng.
- Hạn chế chất béo, ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá). Nên đưa vào thực đơn những món luộc, thay thế các món rán, chiên mỡ, chiên bơ.
- Bữa ăn cần cân đối rau quả và các chất đạm như các loại thịt, mà nên tăng cường ăn cá tôm, cua, đậu.
- Nên uống sữa, và chỉ nên sử dụng các loại sữa không đường ít béo và tốt nhất là nên ăn sữa chua.
- Nên ăn uống điều độ, ăn đúng bữa, đúng giờ. Không nên ăn bữa tối quá muộn và nên ăn ít trước khi đi ngủ.
- Hạn chế tối đa rượu bia: Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh gan nhiễm mỡ và rất nhiều bệnh gan khác. Để bảo vệ lá gan của mình tốt nhân bạn nên hạn chế tối đa uống rượu bia và tốt nhất là không nên uống.
- Thường xuyên theo dõi sức khoẻ: Kiểm tra đường huyết, cholesterol, triglycerid máu định kỳ 6 tháng một lần giúp bạn phát hiện các bệnh tiểu đường, tình trạng tăng glycerid máu là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
- Thận trọng khi dùng thuốc: Khi dùng thuốc điều rất quan trọng là bạn cần hỏi bác sỹ về tác dụng gây độc gan của thuốc, và hạn chế tối đa sử dụng các thuốc có tác dụng này.
Vận động
Cần tập luyện thể dục thể thao hợp lý để giữ cân nặng ở mức chuẩn.Các chuyên gia khuyên bạn nên dành khoảng 30 phút để tập aerobic mỗi ngày, đi bộ hoặc đi xe đạp. Vậy cân nặng như thế nào là đạt mức chuẩn. Người ta căn cứ vào chỉ số BMI (cân nặng (kg)/ chiều cao bình phương(mét))
Cân nặng dưới chuẩn khi BMI ít hơn 18.5
Chuẩn BMI từ 18.5 – 25
Thừa cân BMI từ 25 – 30
Chế độ ăn uống:
Gan nhiễm mỡ được xem là bệnh của thế kỷ 21, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng
Bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhận xét số người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng có xu hướng tăng cao. Trước đây, bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi thì nay nhiều người trẻ đã mắc bệnh, thậm chí trẻ con cũng bị gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhiều người có thói quen ăn nhiều nhưng lại vận động ít. Các chuyên gia y tế cảnh báo gan nhiễm mỡ là bệnh gan của thế kỷ 21. Ngược lại với quan niệm trước đây cho rằng gan nhiễm mỡ là tình trạng vô hại, thì nay kết quả cho thấy 10%-25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và tử vong.
Ngưng hoàn toàn bia, rượu
Hiện nay, cách điều trị chủ yếu mà các bác sĩ đang thực hiện là khuyên người bệnh nên có một chế độ ăn uống và vận động hợp lý.
Rượu, bia có thể làm rối loạn chuyển hóa chất mỡ trong cơ thể và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có thể hồi phục mà không cần đến một loại thuốc nào nếu ngưng uống rượu bia hoàn toàn. Ngoài nguyên nhân rượu bia, những người mập phì cũng dễ bị gan nhiễm mỡ. Tại Mỹ, khoảng 25%-75% những người mập phì và bị tiểu đường type 2 bị gan nhiễm mỡ. Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do dư cân cần giảm ăn những chất ngọt và chất béo vì các chất này khi thừa sẽ chuyển đổi thành mỡ dự trữ. Ngoài ra, cần hạn chế các loại thức ăn nhanh (fast-food). Khi chế biến thức ăn, nên hạn chế các món chiên xào mà thay bằng những món nướng, luộc. Cần tránh các loại thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, bộ đồ lòng của gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phô mai và không nên ăn da các loại thịt heo, vịt, gà. Những loại thịt đã qua chế biến như lạp xưởng, xúc xích cũng không nên dùng vì có nhiều mỡ. Không nên sử dụng các đồ ăn thức uống ngọt như bánh, kẹo, mật đường, mía, các loại nước ngọt... Tốt nhất nên uống nước lọc, nước khoáng hoặc nước trà vì những loại nước này không cung cấp thêm năng lượng.
Ăn nhiều rau, trái cây
Cũng theo bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương: Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ chỉ nên ăn thịt nạc. Ăn thêm các loại cá và hải sản nhưng tôm và cua biển thì không nên ăn quá 1 lần/tuần. Với món trứng, cũng chỉ nên ăn 2-3 quả/tuần. Nên ăn nhiều rau, trái cây và các loại thức ăn có chứa chất xơ, sợi như rau cải, gạo đỏ, khoai mỡ, khoai tây, cà rốt, ngũ cốc, các loại hạt, bánh mì lạt và bánh quy lạt. Các loại thức ăn không chứa năng lượng như tảo, rong biển, nấm cũng rất tốt với những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Giảm cân là biện pháp tốt để cải thiện gan nhiễm mỡ. Mục tiêu ban đầu nên làm giảm 10% cân nặng. Nên giảm từ từ khoảng 0,5 kg đến 1 kg mỗi tuần. Đừng vì lo lắng quá mà nôn nóng điều trị đến mức nhịn ăn luôn. Nhịn ăn thường xuyên sẽ làm cơ thể mệt mỏi và thường có xu hướng ăn bù vào những ngày tiếp theo. Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh cần vận động để giảm cân hiệu quả hơn bằng cách đi bộ, chạy bộ, bơi lội, thể dục thẩm mỹ... để tiêu bớt lượng mỡ thừa và tăng cường cơ bắp cho cơ thể.