Logo Bài Thuốc Quý

Lá ngón: Loại cây kịch độc tại Việt Nam

01/01/2020 · Dược liệu
Cây lá ngón, hay còn gọi là cây rút ruột, đoạn trường thảo, câu vẫn, co ngón...Đây là 1 trong 4 loài cây độc nhất tại Việt Nam.

Cây lá ngón

Cây ngón, hay còn gọi là cây rút ruột, đoạn trường thảo, câu vẫn, co ngón, ngón vàng, hồ mạn trường, đại trà đằng, hoàng đằng, hồ mạn đằng, khau nguộn…, có tên khoa học là Gelsemium elegans, thuộc họ Hoàng đằng: Gelsemiaceae.

Cây ngón được xem là loại cây độc nhất ở nước ta vì chỉ cần ăn từ 2 – 3 lá là đã dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, ở Tây Bắc cũng có loại lá ngón mỡ, loại này khác lá có độc và có thể ăn được (hay được xào với trứng vịt). Tuy nhiên, chỉ những người bản địa có thể phân biệt và sử dụng loại lá này. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là không nên dùng thử.

Là loại cây thân bụi leo, nhiều cành thường sống dựa vào cây khác, thân hơi khía dọc. Lá màu xanh bóng nhẵn, hình trứng thuôn dài, đầu nhọn, mọc đối, mép nguyên, rộng từ 2-5cm, dài từ 6-12cm, cuống hơi tù hoặc nhọn.

Hoa màu vàng xòa 5 cánh, hình ống nhỏ nở từ tháng 6 tới tháng 10, mọc thành chùm ở kẻ lá hoặc đầu cành.

Quả hình thon màu nâu chứa nhiều hạt, một nang, rộng 0,5cm, dài 1cm. Hạt nhỏ màu nâu nhạt, giống hạt đậu, có cánh nhỏ dễ phát tán theo gió đi khá xa.

Hoa lá ngón
Hoa của cây lá ngón.

Về đặc điểm, cây ngón là loại dây leo dài từ 5 – 7 m, có các lá mọc đối, hình trứng nhọn và nhẵn bóng. Nếu nhìn sơ qua thì dễ nhầm lẫn dây ngón với dây chè vằng, tuy nhiên, hoa ngón thì khác rất rõ (đài hoa hình phễu, 5 cánh hoa bung nở trông gần giống hoa chuông vàng nhưng nhỏ hơn).

Về độc tính của lá ngón

Độc tính của lá ngón là do các ancaloit chứa trong toàn bộ cây, trật tự độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Tới 17 đơn phân ancaloit đã được chiết ra từ lá ngón như koumin, gelsenicin, gelsamydin I, gelsemoxonin, 19α-hydroxygelsamydin, trong đó hàm lượng koumin là cao nhất còn độc tính của gelsenicin tính theo LD50 trên chuột là cao nhất.

Ở Việt Nam và Trung Quốc, cây lá ngón được coi là một trong 4 loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuốc độc bảng A), một số người cho rằng chỉ cần ăn ba lá là đủ chết người.

Dây ngón chứa nhiều chất độc như glesemin, koumin, kouminidin…Trong đó, rễ cây là bộ phận độc nhất, sau đó đến lá, hoa, thân và quả (với thân dây thì phần già độc hơn phần non).

Dù là cố tình hay vô ý, ngộ độc lá ngón sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được giải độc kịp thời. Thông thường, chỉ cần dùng 2 – 3 lá dây ngón là có thể dẫn đến tử vong trong 1 đến 7 giờ đồng hồ. Khi bị ngộ độc, nạn nhân phải trải qua các đau đớn về thể xác như: khát nước, đau rát họng, buồn nôn, hoa mắt, hạ huyết áp, sùi bọt mép… rồi tử vong.

Hơn nữa, với độc tính mạnh và phát tán nhanh, chỉ cần ngắt lá làm cho nhựa dính vào tay và tiếp xúc với đồ ăn (hoặc vết thương) là nạn nhân cũng đã trúng độc.

Cây lá ngón
Cây lá ngón.

Triệu chứng ngộ độc

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Về việc dùng lá ngón làm thuốc

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy chiết xuất lá ngón có tác dụng giảm đau. Tuy nhiên, liều lượng điều trị lại rất gần với liều lượng gây độc, do đó, cây ngón không khả thi để dùng làm thuốc. Ở Việt Nam, lá nón chỉ được dùng như một chất độc.

Ở Bắc Mỹ và Trung Quốc, rễ dây ngón được dùng điều trị động kinh và giảm đau nhưng cũng rất hạn chế vì khả năng gây tử vong là rất cao.

Một số cách giải độc lá ngón

Nếu phát hiện kịp thời, có thể giải độc lá ngón bằng cách loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể ngay lập tức bằng cách làm cho nạn nhân nôn hết ra, sau đó đưa đến trạm y tế.

  • Cách 1: Dùng vòi nước đưa nước vào cơ thể người bệnh cho đến khi nôn ra chất độc (nếu nặng thì phải dùng phân động vật hòa loãng với nước rồi cho uống để nôn ra).
  • Cách 2: Lấy cả cây rau má rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước, hòa với nước ấm mà uống.
  • Cách 3: Uống thật nhiều nước sắc cam thảo.
  • Cách 4: Lấy vỏ cây ngũ gia bì chân chim, giã nát rồi sắc lấy nước uống.
  • Cách 5: Lấy lá kim ngân tươi, nhai kỹ rồi nuốt nước (hoặc lấy dây và lá kim ngân sắc lấy nước uống).

Thông tin thêm

  • Ăn lá ngón để tự tử là một thực trạng đau lòng nhưng đã phổ biến ở những vùng núi của Đông Nam Á, nơi đói nghèo và trình độ dân trí còn thấp, chưa đồng đều.. Có thể thấy, đằng sau thực trạng này là một câu hỏi dễ trả lời nhưng không dễ giải quyết.
  • Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá ngón có tác dụng chống viêm nhưng giữa hiệu quả làm thuốc ít ỏi với độc tính chết người của nó đã đặt ra một sự cân nhắc tất yếu. Vì vậy, cây ngón hầu như chỉ được xem là một loài cây gây độc, cần tiêu diệt (trên thực tế, cây này có sức sống rất mạnh, khó tiêu diệt và mọc tràn lan nhiều nơi, thậm chí mọc cạnh những vườn rau).
Thân Thiện