Hoắc hương
Hoắc hương
Hoắc hương Lá đậu gọi là Hoắc, lá cây này giống lá Đậu mà có khí thơm nên gọi là Hoắc hương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên Hán Việt: Hợp hương, Tô hợp hương, Hoắc khử bệnh, Linh lung hoắc khử bệnh (Hòa Hán Dược Khảo), Đầu lâu bà hương (Lăng Nghiêm Kinh) Đa ma la bạt hương (Pháp Hoa Kinh) Bát đát la hương (Kim Quang Minh Kinh), Gia toán hương (Niết Bàn Kinh), Quảng hoắc hương, Quảng hoắc ngạnh, Tiên hoắc hương, Thổ hoắc hương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Thổ Hoắc hương (Trấn Nam Bản Thảo),Thanh kinh Bạc hà (Qủang Tây Bản Thảo Tuyển Biên), Miêu vĩ ba hương, Miêu ba hổ (Liễu Ninh Thảo Dược), Lục hà hà (Phúc Kiến Dược Vật Chí), Ngư hương, Kê tô, Thủy ma diệp (Tứ Xuyên Trung Dược),
Tên khoa học: Pogos cablin (Blanco) Benth.
Họ khoa học: Họ Hoa Môi (Lamiaceae).
Mô tả cây hoắc hương
Cây hoắc hương là cây thuốc nam quý, cây nhỏ sống lâu năm, thân vuông màu nâu tím, mọc thẳng có phân nhánh, cao chừng 30-60, thân có lông. Lá mọc đối có cuống ngắn, vỏ có mùi thơm. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, hai mặt đều mang lông, mặt dưới nhiều lông hơn, lá dài 5-10cm, rộng 2,5-7cm. Cụm hoa mọc thành xim co, ở kẽ lá hay ngọn cành, hoa màu tím nhạt. Quả bế có hạt cứng. Toàn câycó lông và mùi thơm. Cây được trồng bằng hạt hoặc bằng cành dâm cành vào mùa xuân. Thu hái quanh năm trước khi ra hoa, rửa sạch, phơi khô.
Thu hái, sơ chế
Thường thu hái vào tháng 4-6, phơi trong râm cho khô, hoặc sấy nhẹ cho tới khi khô.
Phần dùng làm thuốc
Lá khô hoặc phần nằm trên mặt đất (Herba Pogostemi). Lựa thứ nguyên vẹn, lá dùng mềm, mùi thơm nồng là tốt.
Mô tả dược liệu
Lá có cuống, mọc đối, phiến lá mầu lục tro hoặc lục vàng, thường bị vụn nát, nhăn nheo. Lá nguyên vẹn đủ thì hình tròn trứng, dài 6,6 - 10câm, mép có răng cưa, hai mặt đều mọc nhiều lông nhung, chất mềm mà dầy. Mùi thơm, vị hơi đắng, cay .
Cây hoắc hương.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoắc hương
1. Trị nội thương sinh lạnh và ngoại cảm thương hàn trong mùa hè, xuất hiện đau đầu sốt lạnh, tức ngực, bụng đầy, tiêu chảy
Hoắc hương 12g, Đại phúc bì 12g, Bạch chỉ 8g, Phục linh 12g, Tửtô 8g, Trần bì 6g, Hậu phác 8g, Cát cánh 8g, Khương bán hạ 12g, Cam thảo 4g, Sinh khương 8g, Đại táo 12g. Sắc uống (Hoắc Hương Chính Khí Tán – Hòa Tễ Cục phương)
2. Trị hoắc loạn thổ tả gần chết, uống vào thì có thể sống lại
Hoắc hương diệp, Trần bì, mỗi vị 20g, cho vào 2 bát nước, sắc lấy 1 bát uống lúc nóng (Bách Nhất Tuyển phương).
3. Trị cảm nắng, thổ tả
Hoạt thạch (sao) 80g, Hoắc hương 8g, Định hương 2g. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước vo gạo (Vũ Giảng Sư, Kinh Nghiệm phương).
4. Trị thai động không yên, khí không lên xuống, nôn ra nước chua
Hương phụ, Hoắc hương, Cam thảo mỗi vị 8g, tán bột. Mỗi lần dùng 4g, thêm ít muối vào, uống với nước sôi (Thánh Huệ phương).
5. Trị miệng hôi
Sắc lấy nước Hoắc hương súc miệng thường xuyên (Trích Huyền phương).
6. Trị xông pha nơi có nhiều sương mù, sinh ra lở loét
Hoắc hương, Tế trà, hai vị bằng nhau, đốt thành tro, trộn với dầu, để trên lá, đắp vào nơi đau (Ứng Hiệu phương).
7. Trị hoắc loạn
Hoắc hương, Súc sa mật, Sao diêm [muối rang] (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
8. Trị hoắc loạn, thổ tả, vọp bẻ
Hoắc hương, Nhân sâm, Quật bì, Mộc qua, Phục linh, Súc sa mật (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
9. Trị trúng phải khí ác, đau bụng như thắt
Hoắc hương, Mộc hương, Trầm thủy hương, Nhũ hương, Súc sa mật (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
10. Trị tự nhiên trúng phải hàn tà, nôn nghịch liên tục
Hoắc hương, Mộc hương, Đinh hương, Tử tô diệp, Nhân sâm, Sinh khương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
11. Trị thương thử vào mùa hè thu, ngực tức, chóng mặt, muốn nôn, trong miệng nhớt dẻo, không muốn ăn uống
Hoắc hương, Bội lan, mỗi thứ12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
12. Trị ho, hàn thấp trở trệ bên trong, vị khí mất chức năng giáng xuống, bụng đầy tức, ăn ít, nôn mửa
Hoắc hương diệp 12g, Bán hạ (chế) 12g, Đinh hương 2g, Trần bì 12g, sắc uống (Hoắc Hương Bán Hạ Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
13. Trị viêm trường vị cấp tính thuộc hàn thấp
Hoắc hương, Bán hạ (chế), mỗi thứ 12g, Thương truật, Trần bì, mỗi thứ 8g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
14. Trị đầy tức bụng và vùng vị quản, nôn mửa không muốn ăn
Hoắc hương diệp 12g, Trần bì 6g, Đảng sâm 12g, Bán hạ 6g, Xích phục linh 12g, Thương truật 12g, Hậu phác 12g, Cam thảo 4g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống nóng (Hoắc Hương Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
15. Trị tỳ vị khí trệ, bụng đầy, vùng trung quản đầy
Hoắc hương 12g, Sa nhân 6g, Hậu phác 12g, Trần bì 4g, Thanh mộc hương 12g, Chỉ thực 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
16. Trị mũi viêm mạn tính
Dùng Hoắc hương 160g, tán bột, trộn mật heo làm viên. Mỗi lần uống 4g với nước, ngày 2 lần, liên tục 2-4 tuần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Kiêng kỵ:
- Hoắc hương vị thơm, tính táo, dễ làm tổnâm, hao khí, âm hư không có thấp và vị hư gây nên nôn: kỵ dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Âm hư, không có thấp, Vị có uất nhiệt: khong dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).