Logo Bài Thuốc Quý

Cây bá tử nhân

16/08/2020 · Dược liệu
Bá tử nhân hay còn gọi là: Trắc bạch diệp, Cây bách, Trắc bá, Bá tử…Theo Đông y thì Bá tử nhân có tác dụng định thần, bổ tâm tỳ, thông đại tiện, nhuận táo, chỉ huyết…

Cây bá tử nhân

Tên gọi khác: Trắc bạch diệp, Cây bách, Trắc bá, Bá tử…

Tên khoa học: Platycladus orientalis (L.) Franco.

Họ: Trắc bách (Cupressaceae).

1. Đặc điểm thực vật

Cây bá tử nhân là loại thực vậy hạt trần có chiều cao khoảng từ 6 – 8m. Nhánh con có chứa lá mọc dọc theo thân. Phần lá cây có màu xanh đậm, hình vẩy, mọc đối nhau và tạo thành khóm. Hình dạng lá tương đối giống lá kim nhưng dẹp và rộng hơn.

Quả có hình nón được cấu tạo gồm 6 – 8 vẩy dài úp vào nhau. Hạt hình trứng màu nâu sẫm và có một sẹo rộng với màu nhạt hơn nằm phía dưới. Mùa hoa ở vào khoảng tháng 4 – 5, còn mùa quả vào khoảng tháng 9 – 10.

Mô tả vị thuốc: Vị thuốc Bá tử nhân chính là hạt hình trứng dài hay bầu dục hẹp. Có chiều dài khoảng từ 4 – 7mm và đường kính 1,5 – 3 mm. Mặt ngoài có màu vàng nâu nhạt với các đốm nâu. Hạt có vị nhạt cùng mùi thơm dịu nhẹ.

Cây bá tử nhân, trắc bách
Cây bá tử nhân (Trắc bạch diệp, Cây bách).

2. Bộ phận dùng

Hạt, cành non và lá của cây bá tử nhân là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc.

3. Phân bố

Bá tử nhân là dược liệu có nguồn gốc từ vùng đông bắc Trung Quốc, đến nay đã di thực và được trồng rộng rãi ở nước ta.

4. Thu hái và sơ chế

Phần lá và cành non được thu hái quanh năm nhưng cho dược tính tốt nhất là vào các tháng 9 – 10 và 11. Sau khi thu hái cần rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Còn với quả, thời điểm thu hái thường vào mùa thu hoặc mùa đông khi quả đã già. Hái về cần phơi khô, sau đó loại bỏ lớp bỏ ngoài lấy hạt rồi phơi lại lần nữa.

5. Bảo quản

Dược liệu nếu đã qua sơ chế cần bảo quản ở những nơi khô ráo, tránh ẩm ướt, nấm mốc và côn trùng.

6. Thành phần hóa học

Phân tích dược liệu bá tử nhân nhận thấy một số thành phần sau:

  • Pinen
  • Cariophilen
  • Amentoflavon
  • Estolide
  • Vitamin C
  • Tanin
  • Hinokiflavon
  • Axit juniperic
  • Myrixetin
  • Saponozit

Vị thuốc bá tử nhân

1. Tính vị

Dược liệu được ghi nhận là có vị ngọt và tính bình.

2. Quy kinh

  • Theo Trung Dược Học: Quy vào 3 kinh Tâm, Tỳ và Can.
  • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Quy vào 3 kinh Can, Tâm và Thận.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Nước sắc từ bá tử nhân được nghiên cứu là có khả năng kích thích quá trình đông máu.
  • Dịch biết giúp tăng cường khả năng gây mê của Pentobarbital sodium.
  • Phần lắng đọng của nước sắc dược liệu khi dùng chung với rượu có thể tác động lên trung khu thần kinh đồng thời giúp giảm ho.
  • Có khả năng ức chế hoạt động của một số loại virus cúm, vi khuẩn hay tụ cầu khuẩn.

Theo y học cổ truyền:

Công dụng: Định thần, bổ tâm tỳ, thông đại tiện, nhuận táo, chỉ huyết…

Chủ trị: Mất ngủ, đổ mồ hôi trộm, táo bón, xuất huyết tử cung, nôn ra máu, rong kinh…

Hạt bá tử nhân
Hạt cây bá tử nhân.

4. Cách dùng – liều lượng

Vị thuốc bá tử nhân chủ yếu được dùng ở dạng thuốc sắc cùng với các vị thuốc khác để nâng cao tác dụng trị bệnh. Ngoài ra còn có thể tán bột, làm hoàn hay ngâm rượu. Liều dùng được khuyến cáo với lá là 6 – 12g, còn với hạt là 4 – 12g/ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ bá tử nhân

Dưới đây là những bài thuốc có vị thuốc bá tử nhân:

1. Dưỡng tâm, an thần

Bài thuốc 1: Cần 16g bá tử nhân, 16g toan táo nhân, 8g ngũ vị tử, 8g viễn chí. Các vị thuốc này đem sắc với 1 thăng nước lấy 1/3 thăng. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng mỗi ngày chỉ 1 thăng.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị 500g bá tử nhân cùng với 500g đương quy. Đem 2 vị thuốc tán thành bột mịn, trộn đều rồi luyện với mật để làm hoàn. Mỗi lần lấy 12g uống với nước sôi ấm, ngày 2 lần.

2. Chữa mất ngủ

Dược liệu:

10g bá tử nhân (sao vàng), 12g nhân sâm, 12g bạch phục linh, 10g toan táo nhân (sao đen), 5g trần bì (chế gừng), 10g mạch môn (bỏ tim), 10g viễn chí (chế cam thảo), 10g thạch xương bồ, 5g trúc nhự (sao mật).

Cách thực hiện:

Các vị thuốc đem sắc lấy nước uống thay trà với liều 1 thang/ngày.

3. Trị chứng mất ngủ thể âm hư hỏa vượng

Dược liệu:

10g bá tử nhân, 8g kiết cánh, 10g thiên môn, 12g mạch môn, 10g huyền sâm, 12g nhân sâm, 20g sinh địa, 12g phục linh, 12g đương quy, 4g ngũ vị, 10g viễn chí, 10g táo nhân (sao đen).

Cách thực hiện:

Cho tất cả các vị thuốc trên vào nồi đun chung với 1 lít nước trên lửa nhỏ trong 30 phút. Chia lượng thuốc thu được làm nhiều lần uống, chỉ dùng 1 thang/ngày.

4. Bổ âm, cầm mồ hôi

Dược liệu:

16g bá tử nhân, 16g cù mạch, 8g ngũ vị tử, 12g mẫu lệ, 12g bán hạ khúc, 12g bạch truật, 12g rễ ma hoàng, 12g đẳng sâm.

Cách thực hiện:

Tất cả các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn. Sau đó trộn đều cùng cùi thịt đại táp và làm thành viên hoàn hoặc sắc uống. Đáp ứng tốt với các chứng bệnh do âm hư, đổ nhiều mồ hôi.

5. Giúp nhuận tràng và thông đại tiện

Dược liệu:

12g bá tử nhân, 12g hỏa ma nhân cùng 12g tùng tử nhân.

Cách thực hiện: 

Ba vị thuốc trên đem đi nghiền thành bột mịn. Sau đó trộn đều với mật để luyện thành hoàn hay sắc lấy nước uống. Dùng mỗi ngày đúng 1 thang thuốc. Bài thuốc này phù hợp với những người âm hư, phụ nữ sau sinh hay người già bị táo bón.

6. Chữa chứng khóc đêm, đầy bụng ở trẻ em

Dược liệu:

3 – 30g bá tử nhân.

Cách thực hiện:

Đem vị thuốc đi tán thành bột mịn rồi trộn với nước cơm và cho trẻ uống trực tiếp. Liều lượng cụ thể phụ thuộc vào độ tuổi trẻ cùng triệu chứng bệnh.

7. Chữa mất ngủ, suy giảm trí nhớ, tâm huyết bất túc

Dược liệu:

20g bá tử nhân, 12g đương quy, 12g câu kỷ, 12g mạch đông, 20g thục địa, 12g huyền sâm, 12g phục thần, 4g xương bồ, 4g cam thảo.

Cách thực hiện:

Tất cả các vị thuốc trên cho hết vào ấm rồi sắc lấy nước uống thay trà trong ngày. Dùng với liều lượng đúng 1 thang mỗi ngày.

8. Trị hồi hộp mất ngủ, huyết không dưỡng tâm

Dược liệu:

16g bá tử nhân, 8g viễn chí cùng 16g toan táo nhân.

Cách thực hiện:

Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước uống thay trà. Mỗi ngày chỉ dùng đúng 1 thang thuốc.

9. Trị chứng tử cung ra máu

Dược liệu:

100g bá tử nhân tươi cùng với 500g củ sen tươi và 15g mật ong.

Cách thực hiện:

Củ sen cùng với bá tử nhân đem rửa sạch và vắt lấy nước. Trộn chung 2 thứ nước với mật ong rồi hấp cách thủy trong 5 phút. Có thể uống bất cứ lúc nào với liều lượng vừa đủ.

10. Chữa trĩ nội độ 3

Dược liệu:

12g bá tử nhân, 12g vừng đen, 12g sinh địa, 9g đương quy, 12g bạch thược, 9g hồng hoa, 9g xuyên không, 9g hoa hòe, 9g đào nhân, 4g đại hoàng.

Cách thực hiện:

Cho tất cả các vị thuốc vào ấm rồi đổ thêm 3 bát nước vào. Sắc trên lửa nhỏ đến khi còn 1 bát. Dùng trong ngày khi còn ấm, duy trì liên tục với liều 1 thang/ngày.

11. Trị đởm hư, sợ hãi ngủ không yên giấc

Dược liệu:

12g bá tử nhân, 12g nhân sâm, 10g phục thần, 12g sơn thù, 20g thục địa, 10g chỉ xác, 12g kỷ tử, 10g cúc hoa, 6g nhục quế, 4g ngũ vị.

Cách thực hiện:

Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc với 1 lít nước trong khoảng 20 phút. Dùng nước thuốc uống thay trà trong ngày, mỗi ngày chỉ sắc uống 1 thang.

12. Bài thuốc thập tinh hoàn

Dược liệu:

30g bá tử nhân, 100g sâm cao ly, 60g ba kích, 80g bạch truật, 20g cúc hoa, 60g ngũ gia bì, 80g thỏ ty tử, 80g nhục thung dung cùng với 1 bộ lộc nhung.

Cách thực hiện:

Lộc nhung sua khi bào chế thì đem ngâm với 2 lít rượu. Các vị thuốc còn lại thì cho vào bình ngâm với 3 lít rượu. Sau 30 ngày thì rót ra trộn lẫn 1/2 rượu nhung cùng với 2/3 rượu thuốc. Mỗi tối vào trước bữa ăn lấy 30ml rượu uống trực tiếp. Bài thuốc này giúp trị bổ thận tráng dương, điều trị chứng thận khí hư, mỏi mệt ăn ngủ kém, di tinh hoạt tinh.

13. Bài thuốc ngũ nhân hoàn

Dược liệu:

12g bá tử nhân, 12g trần bì, 20g đào nhân, 12g hạnh nhân, 4g tùng tử nhân, 4g uất lý nhân.

Cách thực hiện:

Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn rồi trộn đều. Sau đó đi luyện với mật để làm thành từng viên hoàn nhỏ. Mỗi lần lấy uống 4 – 8g với nước sôi ấm, dùng 2 lần/ngày.

14. Chữa sốt xuất huyết

Dược liệu:

16g bá tử nhân (sao đen), 12g lá cúc tần, 16g cây nhọ nồi, 20g củ sắn dây cùng 16g mã đề.

Cách thực hiện:

Các vị thuốc trên đem rửa sạch rồi thái nhỏ và cho vào ấm sắc. Đổ vào 600ml nước đun trên lửa nhỏ trong 30 phút. Chia lượng thuốc thu được thành 3 lần uống trong ngày. Dùng mỗi ngày đúng 1 thang.

15. Trị thổ huyết do táo nhiệt

Dược liệu:

20g bá tử nhân tươi, 80g lá sen tươi, 24g lá ngải cứu tươi cùng 40g sinh địa.

Cách thực hiện:

Các vị thuốc trên đem giã nát rồi ngâm vào nước hay sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng mỗi ngày chỉ 1 thang thuốc.

16. Trị nôn ra máu hay lao phổi ho ra máu

Dược liệu:

16g bá tử nhân tươi, 20g ngó sen, 16g bạch cập, 20g cỏ nhọ nồi.

Cách thực hiện:

Bốn vị thuốc trên đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp rồi tán thành bột mịn. Sau đó trộn với nước để làm thành viên hoàn, mỗi viên đúng 10g. Mỗi ngày uống 3 viên cùng với nước sôi ấm.

Lưu ý khi sử dụng

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần chú ý khi áp dụng các bài thuốc có bá tử nhân:

  • Cẩn trọng khi dùng dược liệu cho phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc giai đoạn cho bé bú.
  • Tuyệt đối không dùng bá tử nhân khi bị tiêu chảy hay cổ họng nhiều đàm.
  • Không dùng chung dược liệu này với dương đề thảo. Đồng thời thận trọng khi kết hợp với cúc hoa.

Bá tử nhân là vị thuốc quen thuộc xuất hiện trong nhiều bài thuốc Đông y. Tuy nhiên trước khi có ý định áp dụng những bài thuốc này, cần trao đổi với thầy thuốc hay bác sĩ. Thông tin được đề cập trong bài viết trên chỉ có giá trị tham khảo không thay thế cho chỉ dẫn chuyên môn.