Logo Bài Thuốc Quý

Anh túc xác

26/06/2020 · Dược liệu
Cây Anh túc hay còn gọi là cây Thuốc phiện. Đây là loại cây bị cấm tại nước ta. Tuy nhiên, cây Anh túc cũng là vị thuốc chữa bệnh. Anh túc xác là dược liệu được bào chế từ lớp vỏ quả khô của cây anh túc (cây thuốc phiện). Vị thuốc này có tác dụng giảm đau, cầm tiêu chảy, chữa ho dai dẳng kéo dài.

Anh túc xác là dược liệu được bào chế từ lớp vỏ quả khô của cây anh túc (cây thuốc phiện). Vị thuốc này có tác dụng giảm đau, cầm tiêu chảy, chữa ho dai dẳng kéo dài.

Tên khác: Cây nàng tiên, a phiến, trẩu, cây thuốc phiện, phù dung, oanh túc xác, ngự mễ xác.

Tên khoa học: Papaver somniferum L.

Họ: Anh túc hay á phiện (Papaveraceae)

Cây anh túc

1. Đặc điểm của cây anh túc

Cây anh túc thuộc dạng thân thảo, có tuổi thọ khoảng 2 năm. Thân cây có màu phớt lục, cao từ 1 – 1,5 mét. Lá dài, đầu ngọn, hình bầu dục mọc ôm lấy thân.

Anh túc thường được trồng vào mùa đông ( tháng 10 – 11 âm lịch ) bằng cách gieo hạt. Sau khoảng 3 tháng, cây sẽ nở hoa ở ngọn. Hoa có thể có màu đỏ, trắng hay màu tím trên cùng một cây, mọc riêng rẽ. Khi nở to hướng lên trên trông rất đẹp nên được người Tày đặt tên là hoa nàng tiên.

Hoa anh túc chỉ tồn tại được trong thời gian rất ngắn rồi rụng đi. Sau đó nó cho ra quả nang. Nhựa quả màu trắng thường được thu hoạch và phơi khô làm thuốc phiện. Rễ mọc phân nhánh.

Cây anh túc, cây thuốc phiện

Cây anh túc (Cây thuốc phiện)

2. Dược liệu

Anh túc xác chính là lớp vỏ bên ngoài quả của cây anh túc. Quả có hình trụ dài hoặc hình cầu, chiều dài dao động từ 4 -7 cm và đường kính khoảng 3 – 6 cm. Khi chín, quả anh túc có màu vàng xám, phần cuống dưới quả phình to ra và vẫn còn núm trên đỉnh quả. Bên ngoài vỏ có nhiều vết cắt dọc hoặc ngang được tạo ra trong quá trình thu hoạch nhựa.

Bóc vỏ ra sẽ thấy nhiều hạt nhỏ màu xám trắng hoặc xám đen bên trong, hình dáng gần giống với quả thận, bề mặt có vân.

3. Phân bố

Cây anh túc có nguồn gốc ở Ấn Độ, các nước Trung Á, Hy Lạp và Iran. Cây ưa sống ở các vùng núi cao.

Cách đây 30 -40 năm, người dân ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Yên Bái, Lạng Sơn hay Lai Châu vẫn còn trồng loại cây này. Hiện nay, Chính phủ đã cấm trồng cây anh túc do nhựa của nó là nguyên liệu chính để sản xuất ra thuốc phiện – một chất gây nghiện có nhiều tác hại khôn lường với sức khỏe.

4. Bộ phận dùng

Vỏ quả khô đã được lấy nhựa

5. Thu hái – Sơ chế

Sau khi được lấy hết nhựa, quả anh túc sẽ được hái làm dược liệu. Anh túc xác được sơ chế theo những cách sau:

  • Theo Bản Thảo Cương Mục: Rửa sạch quả anh túc, tách bỏ hạt và gân màng bên trong. Giữ lại phần vỏ bên ngoài xắt mỏng ra. Cuối cùng đem sấy khô hoặc sao qua với mật ong, dấm rồi tán nhuyễn thành bột.
  • Theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển: Sau khi rửa quả anh túc xong thì bỏ tai, gân màng. Đem phần vỏ bên ngoài phơi trong bóng râm. Xắt nhỏ ra, tẩm giấm hoặc sao với mật ong dùng dần.
  • Theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược: Rửa sạch bụi bẩn dính bên ngoài quả, loại bỏ hột, tai, gân màng. Lấy phần bỏ bên ngoài cắt nhỏ ra phơi trong bóng râm cho đến khi khô. Bước cuối cùng là lấy anh túc xác sao qua với mật ong hoặc sao với giấm cho vàng.

6. Thành phần hóa học

Trong anh túc xác chứa các thành phần hóa học sau:

  • Morphin
  • Codein
  • Papaverin
  • Thebain
  • Narcotin
  • Narcotolin
  • Cedoheptulose
  • DMannoheptulose
  • Myoinositol
  • Erythritol
  • Sanguinarin
  • Norsanguinarin
  • Cholin
  • Cryptopl
  • Protopine

Vị thuốc anh túc xác

1. Tính vị

Anh túc xá tính bình, sáp, vị chua, có độc, hơi lạnh

2. Quy kinh

Dược liệu này có khả năng đi vào các kinh túc quyết âm Can, Phế, Thận và Đại Trường

3. Tác dụng dược lý và chủ trị

– Theo Đông y:

Trong y học cổ truyền, anh túc xác được biết đến với những tác dụng sau:

  • Cố thu chính khí
  • Chữa tiêu chảy, đại tiện ra máu
  • Sáp trường, liễu phế, cầm xích bạch lỵ
  • Trị ho mãn tính, ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, đau nhức xương khớp, đau bụng, đau tim
  • Chữa di tinh
  • Cố thận
  • Chữa lao phổi, hen suyễn, thổ huyết

– Theo y học hiện đại:

Hoạt chất Morphin trong anh túc xác có tác dụng giảm đau mạnh. Nó cũng giúp tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với cơn đau. Ngoài ra, chất Codein cũng có công dụng tương tự nhưng nhẹ hơn Morphin.

Cả Morphin và Codein đều là những chất có tác dụng thôi miên. Tuy nhiên, chúng chỉ gây buồn ngủ nhẹ.

Trên hệ hô hấp, Morphin hoạt động như một chất ức chế mạnh gây thở nhanh, thở dốc, nghiêm trọng hơn là ngưng thở nếu dùng quá liều. Tuy nhiên, dùng Morphin với liều nhỏ có thể giúp ức chế cơn ho. Trong khi đó, hoạt chất Codein lại giúp long đờm và được sử dụng nhiều hơn do ít gây tác dụng phụ.

Ngoài ra, Morphin còn có thể khiến các mạch ngoại vi giãn nở, điều này dẫn đến hạ huyết áp. Đối với vết trường vị, chất này mặc dù được sử dụng với liều lượng rất thấp nhưng lại làm tăng trương lực, giảm nhu động ruột. Do vậy Morphin có thể gây táo bón nhưng ngược lại, nó hữu ích với người bị tiêu chảy.

Anh túc xác
Anh túc xác từ hoa của cây Anh túc sấy khô.

4. Cách dùng và liều lượng:

  • Liều lượng: 2 – 6g một ngày
  • Cách dùng: Dùng thuốc dưới dạng sắc , thuốc bột hay vo thành viên hoàn uống.

5. Độc tính

Anh túc xác có độc. Dùng không đúng cách hoặc quá liều có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Ngộ độc
  • Nghiện
  • Nôn ói
  • Đau dạ dày
  • Ảnh hưởng đến chức năng gan, thận

Bài thuốc sử dụng anh túc xác

1. Chữa ho kéo dài

  • Chuẩn bị: Anh túc xác
  • Cách sử dụng: Anh túc xác loại bỏ hết phần gân bên ngoài, đem nướng với mật. Tán thuốc thành bột mịn bảo quản trong hũ thủy tinh uống dần. Khi sử dụng lấy 2g pha với nước và mật uống, sau vài ngày cơn ho sẽ thuyên giảm.

Theo Thế Y Đắc Hiệu Phương

2. Chữa bệnh lao, hen suyễn, ho mãn tính, đổ mồ hôi trộm

  • Chuẩn bị: 20g ô mai, 100g anh túc xác
  • Cách sử dụng: Anh túc xác sau khi bỏ đế và màng đem sao với giấm. Tiếp theo đem cà hai vị thuốc tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, liều dùng là 8g.

Theo Tiểu Bách Lao Tán Tuyên Minh Phương

3. Chữa bệnh kiết lỵ

  • Chuẩn bị: Anh túc xác, hậu phác lượng bằng nhau
  • Cách sử dụng: Bỏ phần núm trên và dưới của anh túc xác, sau đó đập dập rồi đem nướng với mật cho đến khi chuyển màu hơi đỏ. Hậu phác loại bỏ vỏ, cho vào tô ngâm với nước cốt gừng để qua đêm, hôm sau đem nướng lên. Đem tất cả thuốc đã sơ chế tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 8 – 12g, dùng nước cơm để uống.

Theo Bách Trung Tán – Bách Nhất Tuyển Phương

4. Trị tiêu chảy không cầm

  • Chuẩn bị: 1 cái anh túc xác, 10 cái đại táo nhục, 10 cái ô mai.
  • Cách sử dụng: Tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị kết hợp thành 1 thang. Cho thuốc vào ấm sắc với 1 chén nước đến khi cạn còn khoảng 7 phần. Gạn uống khi thuốc còn ấm.

Theo Kinh Nghiệm Phương

5. Điều trị bệnh lỵ lâu ngày không khỏi

– Bài 1:

  • Chuẩn bị: Anh túc xác, giấm, mật
  • Cách sử dụng: Trước tiên đem anh túc xác nướng với giấm, tán thành bột mịn. Trộn bột anh túc xác chung với lượng mật vừa đủ rồi vo thành những viên hoàn nhỏ. Mỗi lần uống 6 – 8g, nên uống chung với nước gừng ấm.

Theo Bản Thảo Cương Mục

– Bài 2:

  • Chuẩn bị: Anh túc xác 400g
  • Cách thực hiện: Bỏ lớp màng của anh túc xác rồi chia làm 3 phần đều nhau. Một phần để sống, hai phần còn lại lần lượt đem sao với giấm và mật. Tất cả tán thành bột, trộn chung với mật rồi vo viên hoàn nhỏ cỡ hạt ngô. Bảo quản thuốc trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín. Mỗi lần uống 8 – 12g chung với nước cơm.

Theo Y Học Nhập Môn

6. Chữa bệnh lỵ cấp tính do thấp nhiệt (xích bạch lỵ) cho trẻ em

  • Chuẩn bị: Anh túc xác và binh lang mỗi vị 20g
  • Cách sử dụng: Sao anh túc xác với giấm trên chảo đồng, sau đó giã nhỏ. Binh lang cũng đem sao đỏ và tán nhỏ. Uống thuốc với mật ong ( xích lỵ ) hoặc nang đường ( bạch lỵ).

Theo Toàn Ấu Tâm Giám Phương

7. Chữa thổ tả, chán ăn, bạch lỵ cho trẻ em

  • Chuẩn bị: 40g anh túc xác, 40g trần bì ( vỏ cam ), 40g kha tử, 8g xuân sa, 8g chích thảo
  • Cách sử dụng: Tất cả tán bột mịn uống với nước cơm, ngày dùng 8 – 12g tùy theo tình trạng bệnh.

Theo Anh Túc Tán – Phổ Tế Phương

Những lưu ý khi sử dụng Anh túc xác

1. Thận trọng khi dùng

Dùng anh túc xác với liều lượng lớn và lâu dài có thể gây nghiện, ngộ độc cùng nhiều tác hại nguy hiểm khác. Vì vậy, y học chỉ khuyến cáo sử dụng dược liệu này cho những trường hợp bị bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như những người bị bệnh ung thư cần giảm đau.

Việc sử dụng anh túc xác cũng cần có sự chỉ định, giám sát chặt chẽ của thầy thuốc, bác sĩ. Đồng thời, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.

2. Những đối tượng nào không nên dùng anh túc xác?

Không dùng anh túc xác cho những đối tượng sau:

  • Phụ nữ mang thai
  • Người đang cho con bú
  • Trẻ nhỏ
  • Người có vấn đề về gan thận
  • Người bị táo bón, huyết áp thấp
  • Những đối tượng bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của anh túc xác

3. Tương tác với thuốc và các chất khác

Anh túc xác có thể tương tác với:

  • Thuốc chống loét
  • Muối sắt
  • Thuốc Lorazepam hoặc Diazepam dùng trong điều trị loạn thần
  • Codeine
  • Thuốc điều trị bệnh trầm cảm
  • Rượu và các loại đồ uống có cồn khác

Trên đây là những thông tin về dược liệu anh túc xác. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe song người dân không nên tùy tiện sử dụng dược liệu này một cách bừa bãi. Cần có sự cho phép của thầy thuốc, bác sĩ trước khi dùng.

Lưu ý: Cây thuốc phiện là loại cây nằm trong danh mục chất cấm lưu hành, buôn bán theo quy định của nhà nước.