Logo Bài Thuốc Quý

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

24/07/2015 10:26 PM
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận và sinh sôi nẩy nở rồi gây nhiễm khuẩn cho nước tiểu, cuối cùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng cơ quan của hệ tiết niệu. Tìm hiểu nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, các triệu chứng và cách điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là gì?

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận và sinh sôi nẩy nở rồi gây nhiễm khuẩn cho nước tiểu, cuối cùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng cơ quan của hệ tiết niệu. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ. Bất cứ một phần nào trong hệ tiết niệu đều có thể bị nhiễm khuẩn, kể từ thận, niệu quản cho đến bàng quang và niệu đạo. Nhiễm khuẩn niệu đạo hay gặp ở phụ nữ vì niệu đạo nữ ngắn hơn nam lại gần với trực tràng và âm đạo là những vị trí dễ có vi khuẩn. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng với người cao tuổi (NCT) thì gặp nhiều khó khăn hơn do sức đề kháng của NCT ngày một suy giảm. Đường tiết niệu bao gồm hai quả thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Mỗi khi bị viêm một trong các bộ phận đó thì có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiết niệu, nhất là ảnh hưởng đến thận. Đối với NCT, việc phát hiện sớm bệnh viêm đường tiết niệu cũng như thực hiện một số biện pháp phòng bệnh là hết sức cần thiết.

Nhiễm khuẩn tiết niệu

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (Ảnh minh họa)

I. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Về căn nguyên gây nhiễm khuẩn cũng rất đa dạng nhưng chủ yếu là do vi khuẩn. Một số vi khuẩn thường gặp gây nhiễm trùng đường tiết niệu như E.coli, Proteus, Enterobacter, S. sprophyticus, S. epidermidis, N. gonorrheae, C. trachomatis, Mycoplasma... Trong các căn nguyên vi khuẩn này thì chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là E.coli, thứ đến là Proteus, S. saprophyticus (tụ cầu hoại sinh). Ngoài ra người ta còn gặp một số NCT bị viêm đường tiết niệu do vi nấm.

Nguyên do bị nhiễm trùng đường tiết niệu khá phong phú. Ở những phụ nữ mới lập gia đình, có đến 50% bị nhiễm trùng đường tiết niệu thông qua quan hệ tình dục vào những lần đầu tiên do bạn đời không vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, thật ra mầm bệnh đã có sẵn ở phần âm hộ, vì đây là nơi gần hậu môn. Khi giao hợp, mầm bệnh được tạo điều kiện thuận lợi để đi vào niệu đạo.

Một nguyên do khác gặp phải ở phụ nữ mãn kinh. Do bị khô màng nhầy vì thiếu hụt estrogen, vi khuẩn dễ dàng lấn chiếm. Các tác nhân gây viêm sẽ phát triển nhanh hơn do khan hiếm Doderlein ở vùng âm hộ, mà đây là vũ khí chống lại các mầm bệnh.

Ở những phụ nữ phải ngâm mình trong môi trường ẩm ướt lâu dài và thiếu ý thức vệ sinh, việc nhiễm trùng đường tiết niệu là điều dễ hiểu. Ngoài ra, còn một nguyên do khác ở những người bị táo bón lâu ngày, thức ăn di chuyển chậm qua ruột làm gây ứ đọng trong vùng hậu môn và âm hộ.

Đối với người cao tuổi, do sức đề kháng ngày một giảm, thường mắc chứng sa sút trí tuệ (ảnh hưởng rất lớn đến sự điều hoà của thần kinh trung ương), đi tiểu không kiểm soát được nên dễ bị viêm đường tiết niệu ngược dòng. người cao tuổi có thể gặp nhiễm khuẩn đường tiết niệu cả phần trên (thận) và cả phần dưới (niệu quản, bàng quang và niệu đạo). Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở người cao tuổi. Nguyên nhân có thể từ nội tại (nội sinh) và cũng gặp nguyên nhân bên ngoài đưa đến (ngoại sinh). Nguyên nhân nội sinh gây nhiễm khuẩn đường tiểu ở người cao tuổi như sỏi đường tiết niệu, một số trường hợp do cản trở dòng chảy của nước tiểu, lâu dần nước tiểu bị nhiễm vi sinh vật gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu như một số bệnh của tiền liệt tuyến, bệnh đái tháo đường, chấn thương cột sống, nằm lâu do bại liệt hoặc do bất động bởi cố định xương bị gãy (gãy xương đùi hoặc xương chậu hay gặp ở người cao tuổi). Một số nguyên nhân ngoại sinh gây nên viêm đường tiết niệu như nong niệu đạo, mổ lấy sỏi hoặc mổ u xơtiền liệt tuyến bị bội nhiễm, viêm tiền liệt tuyến đưa đến viêm đường tiết niệu.

II. Triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Một số triệu chứng hay gặp viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi như đau lưng. Đau lưng có thể âm ỉ và xuất hiện từng lúc nhưng có khi đau thành cơn rõ rệt, nhất là những lúc có bưng bê hoặc xách, mang vật nặng. Nhiều trường hợp có sốt và rét run (tuy nhiên ở người cao tuổicó sức đề kháng kém thì sốt nhẹ hoặc không sốt mà chỉ thấy ớn lạnh), đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt. Màu của nước tiểu có thể đục, có thể màu hồng (đái ra máu đại thể). Nếu viêm đường tiết niệu do có vật cản như sỏi đường tiết niệu thì thường kèm theo đau lưng hoặc có cơn đau quặn thận có thể bị đái dắt, đái buốt... Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu, ngoài các triệu chứng lâm sàng cần làm các xét nghiệm có liên quan như siêu âm, chụp Xquang, xét nghiệm nước tiểu tìm căn nguyên vi khuẩn bằng cách cấy nước tiểu đúng thường quy mới hy vọng tìm ra căn nguyên gây nhiễm khuẩn.

Biến chứng của nhiễm khuẩn đường tiếu niệu:

Viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi nếu không phát hiện và điều trị tốt có thể đưa đến một số biến chứng rất nguy hiểm như viêm thận, bể thận cấp tính có thể đưa đến suy thận, áp-xe quanh thận. Viêm đường tiết niệu cũng có thể đưa đến nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.

III. Cách điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Tuỳ theo vị trí nhiễm khuẩn thấp hay cao (viêm thận - bể thận), mức độ nặng hay nhẹ, tính chất cấp tính hay mạn tính và chủng vi khuẩn gây bệnh mà có những biện pháp điều trị khác nhau. Nguyên tắc chung là lựa chọn kháng sinh thích hợp, tốt nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ (tức là sau khi cấy nước tiểu hoặc máu thấy vi khuẩn gây bệnh thì đánh giá mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với một số thuốc kháng sinh, từ đó lựa chọn kháng sinh nhạy cảm nhất, dễ hấp thu, ít tác dụng phụ nhất, sẵn có và cân nhắc cả về vấn đề kinh tế); điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ khác.

Trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu thấp thường dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ. Các kháng sinh thường dùng có tác dụng tốt trong nhiễm khuẩn tiết niệu thấp hiện nay như nhóm quinolon: Peflacin 400mg uống 2 viên/ngày chia hai lần hoặc ciprofloxacin 500mg uống 2 viên/ngày chia hai lần. Lưu ý không sử dụng quinolon cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 16 tuổi vì thuốc ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ do gây tổn thương sụn khớp. Các nhóm kháng sinh khác như cephalosporin (cefuroxim 500mg uống 2 viên/ngày chia hai), beta lactam (ampicillin) cũng có tác dụng tốt. Một kháng sinh thông thường, rẻ tiền, khá thông dụng hiện nay là co-trimoxazon (Biseptol, viên 480mg, uống 4 viên/ngày chia hai) cũng có tác dụng trong một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu nhẹ, tuy nhiên tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh này hiện nay khá cao. Thời gian sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, căn cứ từng trường hợp cụ thể mà có thể dùng liều duy nhất hay dùng kéo dài 3 - 10 ngày hay kéo dài hơn. Hiện nay hay dùng kháng sinh kết hợp với một số hoá chất như nitrofurantoin, Mictasol bleu... là những thuốc đào thải gần như nguyên vẹn qua đường tiểu nên có tác dụng sát khuẩn tại chỗ.

Trường hợp viêm thận - bể thận cấp hay đợt cấp của viêm thận - bể thận mạn cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch liều cao và nên phối hợp ít nhất hai kháng sinh. Thời gian dùng kháng sinh cũng dài hơn trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu thấp, ít nhất cũng dùng trong 14 ngày. Lựa chọn thuốc tốt nhất theo kháng sinh đồ, tuy nhiên do kháng sinh đồ cho kết quả muộn hoặc cấy không mọc vi khuẩn nên cần cho kháng sinh sớm theo kinh nghiệm, dựa vào vi khuẩn hay gặp, tuổi mắc bệnh, các bệnh lý kèm theo... Các thuốc có thể dùng như quinolon (ciprofloxacin 500mg, 2 lọ/ngày truyền tĩnh mạch) kết hợp Augmentin 500mg uống 2.000mg/ngày; hoặc cephalosporin (ceftriaxon 1g, 2lọ/ngày tiêm tĩnh mạch) kết hợp hoặc thuốc nhóm quinolon uống hay truyền tĩnh mạch - hoặc kết hợp thuốc aminosid (amikacin 500mg, 2 lọ/ngày) tiêm bắp hoặc pha truyền tĩnh mạch một lần trong ngày.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác trong bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm uống nhiều nước thường trên 1,5 lít/ngày, hạ sốt giảm đau, nâng cao thể trạng. Điều trị các yếu tố thuận lợi như điều trị sỏi tiết niệu (uống thuốc tan sỏi, tán sỏi qua siêu âm, phẫu thuật lấy sỏi...), điều trị u phì đại lành tính tiền liệt tuyến, điều trị các dị dạng đường niệu, điều trị các bệnh kèm theo. Điều trị các biến chứng của bệnh như suy thận, thiếu máu, tăng huyết áp...

Tóm lại nhiễm khuẩn tiết niệu là một bệnh khá thường gặp ở nam giới, nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực có thể khỏi hẳn không để lại di chứng, có thể dẫn đến suy thận mạn tính là bệnh có tiên lượng xấu.

Phòng bệnh nhiễm khuẩn đường tiếu niệu:

Để phòng bệnh và tránh bệnh lặp lại sau khi điều trị, cần có thói quen uống nhiều nước (2 lít/ngày) để rửa sạch bàng quang, đào thải các thành phần có hại, tránh sự tăng sinh của mầm bệnh. Nên ăn nhiều loại trái cây như cam, chanh, bưởi thường xuyên. Các loại trái cây này làm nước tiểu bị chua, trong môi trường acid vi khuẩn khó phát triển. Khi mắc tiểu, không được nín nhịn mà phải đi ngay, thậm chí không cần chờ đến cảm giác mắc tiểu mới đi mà canh chừng 2 đến 3 giờ là phải tự đi tiểu. Nước tiểu càng ứ đọng thì mầm bệnh càng có cơhội phát triển.

Sau mỗi lần giao hợp, các chị em nên đi tiểu ngay và vệ sinh sạch sẽ vùng cửa mình để loại bỏ các vi khuẩn được đưa vào niệu đạo và bàng quang. Mỗi ngày phải vệ sinh vùng kín một lần, khi rửa nên thực hiện từ trước ra sau, tránh mang vi khuẩn có sẵn ở âm hộ và hậu môn vào đường tiểu. Trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em phải thay băng thường xuyên dù máu có ít hay nhiều. Mọi ứ đọng sẽ là nguyên nhân cho mầm bệnh phát triển và tấn công bàng quang.