Bệnh viêm ruột thừa
Ruột thừa là một túi nhỏ nhô ra hình con giun của manh tràng (đoạn đầu của ruột già ), dài khoảng vài cm. Nó nằm ởphần dưới phải của ổ bụng. Viêm ruột thừa (appendicitis) là sự viêm của ruột thừa.
I. Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa
Nguyên nhân của sự viêm này thường là nhiễm trùng sau nơi tắc nghẽn của ruột thừa. Ðiều này có thể do một mảnh phân cứng (sỏi phân) mắc kẹt ở ruột thừa. Thêm vào đó, mô bạch huyết ở ruột thừa trở nên bị viêm và gây tắc ruột thừa. Ở nhiều trường hợp, nguyên nhân viêm cụ thể vẫn không được biết.
Khác với các tổn thương do chấn thương, viêm ruột thừa là nguyên nhân đau bụng thường gặp nhất cần phải phẫu thuật cấp cứu. Phần lớn các trường hợp viêm ruột thừa xuất hiện ở lứa tuổi từ 11 đến 20, mặc dù nó có thể xuất hiện ở tất cả các nhóm tuổi.
II. Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa
Triệu chứng của viêm ruột thừa lúc đầu có thể khó phân biệt với nhễm siêu vi đường ruột mà thường được gọi là viêm dạ dày ruột. Các triệu chứng có thể bao gồm đầy bụng mơ hồ, khó tiêu và đau bụng ít thường được cảm nhận ở vùng quanh rốn (nút lưng quần).
Khi nhễm trùng nặng hơn, đau trở nên nổi bật hơn ở phần dưới phải của bụng. Bệnh nhân thường có buồn nôn, nôn và biếng ăn. Ðau thường liên tục và ngày càng nặng. Bệnh nhân có thể tiêu chảy, sốt và lạnh run.
Những triệu chứng này tiến triển vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thể không kể lại thứ tự các triệu chứng được nêu ra ở trên. Vì thế một chẩn đoán viêm ruột thừa chính xác thường có thể gặp khó khăn. Ðiều này có thể đúng ở trẻ em rất nhỏ và ở bệnh nhân già.
Nhiều bệnh cảnh khác có thể giống viêm ruột thừa như viêm dạ dày ruột, sỏi thận, nhiễm trùng tiểu, và một bệnh viêm ruột được gọi là bệnh Crohn. Ở phụ nữ, các bệnh cảnh như u nang buồng trứng và nhiễm trùng khung chậu có thể giống với viêm ruột thừa.
Nếu nhiễm trùng của ruột thừa không được điều trị, ruột thừa sẽ vỡ hoặc thủng. Ðiều này đưa đến các biến chứng như viêm toàn bộ ổ bụng (viêm phúc mạc), hình thành áp xe và tắc ruột.
III. Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
Chẩn đoán dựa trên bệnh sử và khám thực thể, cùng với thử máu và các xét nghiệm chẩn đoán khác.
Dấu hiệu thực thể điển hình của viêm ruột thừa là đau lan toả ở vùng rốn, và trở nên khu trú tại điểm McBurney nếu ruột thừa viêm tiếp xúc với phúc mạc thành. Điểm này nằm tại điểm 1/3 ngoài của đường nối gai chậu trước trên và rốn, hoặc khoảng bề rộng của bàn tay.
Các phương pháp khác gồm thăm trực tràng bằng ngón tay (hay khám trực tràng qua đường hậu môn) - nếu đau ở phía phải (vị trí bình thường của ruột thừa), nó làm tăng khả năng chẩn đoán viêm ruột thừa.
Các dấu hiệu khác dùng trong chẩn đoán viêm ruột thừa là dấu cơ thắt lưng - chậu (thường ở viêm ruột thừa sau manh tràng), dấu lỗ bịt (trong), dấu Blomberg và dấu Rovsing.
Siêu âm và chụp Doppler cũng là phương tiện phát hiện viêm ruột thừa, nhưng có thể bỏ sót một số trường hợp (khoảng 15%), đặc biệt là ở giai đoạn sớm khi chưa hình thành dịch, siêu âm hố chậu không cho thấy bất thường mặc dù đã có viêm ruột thừa. Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm có thể giúp phân biệt viêm ruột thừa với bệnh cảnh khác có triệu chứng rất giống, được gọi là viêm hạch bạch huyết quanh ruột thừa. Ở những nơi có trang bị CT scan hay chụp cắt lớp, đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được ưa thích. Phim chụp cắt lớp CT scan thực hiện đúng quy cách có độ phát hiện (độ nhạy) hơn 95%. Ruột thừa viêm biểu hiện trên CT scan là hiện tượng mất tương phản (thuốc nhuộm đường uống) trong ruột thừa và dấu hiệu trương nở hay phù nề của ruột thừa, thường trên 6 mm ở mặt cắt ngang; ngoài ra còn có bằng chứng viêm được gọi là "xe sợi mỡ" ("fat stranding"). Siêu âm cũng đặc biệt có ích trong thăm dò nguyên nhân phụ khoa gây đau bụng ở một phần tư phải dưới ở phụ nữ mang thai vì CT scan không là phương pháp được lưa chọn trong trường hợp này.
IV. Điều trị bệnh viêm ruột thừa
Nếu viêm ruột thừa được chẩn đoán hoặc rất nghi ngờ, điều trị tốt nhất là phẫu thuật loại bỏ ruột thừa (cắt ruột thừa). Người ta không biết ruột thừa đóng vai trò gì trong cơ thể người và cũng không biết những vấn đề sức khoẻ về lâu dài do việc loại bỏ ruột thừa gây ra.
Cắt ruột thừa cổ điển được thực hiện với gây mê. Một đường rạch nhỏ ở phần dưới của ổ bụng bên phải và qua đó ruột thừa được loại bỏ. Gần đây, cắt bỏ ruột thừa qua nội soi ổ bụng đang được thực hiện bởi vài phẫu thuật viên. Cả hai phương pháp là những thủ thuật tốt và việc lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất được quyết định tốt nhất bởi phẫu thuật viên dựa trên nền tảng cá nhân.
Nếu ruột thừa không bị vỡ (thủng) tại thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân thường được cho về nhà trong vòng 1 đến 2 ngày. Nếu ruột thừa bị vỡ, thời gian nằm ở bệnh viện có thể từ 4 đến 7 ngày tuỳ vào mức độ trầm trọng của thủng và viêm phúc mạc. Kháng sinh đường tĩnh mạch được cho trong khi nằm viện để giúp tránh nhiễm trùng thêm và tạo áp xe.
Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể không đến bác sĩ cho đến khi viêm ruột thừa đã hiện diện trong nhiều ngày, thậm chí vài tuần. Trong trường hợp này, một ổ áp xe thường được hình thành. Nếu ổ áp xe nhỏ, nó có thể được điều trị ban đầu bằng kháng sinh. Nói chung, ổ áp xe cần phải được dẫn lưu. Nó thường được thực hiện với sự hỗ trợ của siêu âm, hoặc chụp cắt lớp điện toán. Thường không an toàn để loại bỏ ruột thừa khi một ổ áp xe được hình thành rõ. Ruột thừa được loại bỏ từ vài tuần đến vài tháng sau khi ổ áp xe đã hồi phục. Cách này được gọi là cắt ruột thừa lúc nghĩ (hay cắt ruột thừa thì 2) và thực hiện để tránh đợt viêm ruột thừa khác.