Bệnh ù tai
Bệnh ù tai là gì?
Ù tai là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, báo hiệu một tổn thương nào đó trên đường dẫn truyền của cơ quan thính giác. Nguyên nhân có thể do dáy tai lâu ngày bít chặt ống tai, hoặc do ngoáy tai chạm vào màng nhĩ...
Bệnh ù tai (Ảnh minh họa)
Ù tai khiến người bệnh có cảm giác nghe khó diễn đạt chính xác, khó so sánh với bất cứ một âm thanh nào: lúc như có tiếng nhạc, lúc thanh, lúc trầm, hoặc như tiếng ve kêu, tiếng vù vù, rì rào, phì phì, thình thình...
I. Nguyên nhân gây ù tai
Trong rất nhiều ca bệnh, các quá trình sinh thần kinh tự nhiên dần dẫn tới quên tiếng ù tai, nhưng trong nhiều trường hợp khác, ù tai trở nên khó chịu, thậm chí là nặng nề tới không chịu đựng nổi. Y học hiện chưa tìm ra được cách khử ù tai thật chắc chắn, trừ trường hợp ta biết rõ nguyên nhân là chữa trị khỏi (ví dụ, cục ráy tai mà ta có thể lấy ra được) hoặc là rối loạn gắn liền với một bệnh cụ thể: huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết.
Ai cũng có thể bị ù tai, không phân biệt giới tính, môi trường xã hội hoặc tuổi tác. Nguyên nhân thông thường nhất là chấn thương do âm thanh, thường thấy do nghe nhạc tăng âm hoặc do phơi nhiễm liên tục với âm thanh cường độ hỗn loạn (máy nghe nhạc di động). Tiếp theo là các bệnh về mạch máu và từ tuổi tác. Còn có các nguyên nhân khác, nhưng hiếm hơn: ngộ độc một loại thuốc, bệnh đặc thù về ốc tai, u lành não… Ngoài ra các nguyên nhân khác như:
- Cảm lạnh gây viêm mũi - họng xuất tiết
- Viêm tắc vòi tai (vòi Eustachi), viêm tai giữa, viêm áp-xe amidan, đau răng số 8 hàm trên.
- Đi máy bay ở độ cao.
- Chấn thương sọ não, chấn động mạnh vào tai như tát mạnh.
- Mất máu nhiều, đột ngột, chóng mặt, hoa mắt.
- Quá trình lão hóa cơ quan thính giác, gây hiện tượng thoái hóa, xơ xốp, ù tai, nghễnh ngãng, điếc...
- Một số bệnh hiểm nghèo kèm theo như tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp hoặc các bệnh ung thư như ung thư vòm họng, ung thư sàng hàm, các khối u ở não.
- Dùng lâu dài các thuốc streptomycin, gentamyxin, quinin...
- Ù tai có thể do một số nguyên nhân không nguy hiểm như ống tai bị bít do ráy tai, nước... Song có một số vấn đề khác phức tạp hơn như nhiễm trùng, xơcứng chuỗi xương con trong tai.
Ù tai không chỉ thuộc chuyên khoa tai - mũi - họng, mà có liên quan đến nhiều chuyên khoa khác như tim mạch, nội tiết, chấn thương, ung bướu. Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám tỉ mỉ để tìm nguyên nhân gây bệnh và kịp thời điều trị.
II. Các loại ù tai thường gặp
Ù tai khách quan
Là loại ù tai mà không chỉ bệnh nhân, mà cả bác sĩ cũng có thể nghe thấy. Loại này hiếm gặp, thường gây ra bởi các rối loạn về mạch máu hoặc các cơ thần kinh, u bướu trong đầu, cổ, hay não, hoặc các khiếm khuyết của một số cấu trúc của tai. Ù tai có thể cảm giác như mạch đập, hoặc có thể đồng nhịp với nhịp tim. Bị ù tai như mạch đập đồng nhịp với tiếng tim cần được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, vì đây có thể là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm.
Ù tai chủ quan
Là những tiếng ù chỉ có bệnh nhân cảm thấy. Loại này chiếm đại đa số (95 phần trăm) các trường hợp ù tai. Trong số này, hơn 60 phần trăm trường hợp không thể tìm ra nguyên nhân dù là có làm các xét nghiệm phức tạp. Trong số các trường hợp có thể tìm ra nguyên nhân, các nguyên nhân thường gặp nhất là:
- Do tuổi cao. Một phần của ù tai có thể liên quan với sự lãng tai ở người lớn tuổi do sự thoái hóa của thần kinh liên quan đến thính giác;
- Do ảnh hưởng của tiếng ồn quá độ. Ví dụ như những công nhân làm việc trong các hãng xưởng với nhiều máy móc ồn ào, nhạc sĩ nhạc rock, lính trận thường xuyên phải chịu đựng tiếng súng, những người làm trong phi trường, vân vân;
- Bệnh Méniere, là một bệnh của tai trong, với các cơn chóng mặt, mất thính lực, ù tai;
- Do ráy tai hoặc dị vật làm nghẹt tai;
- Bất thường của ống tai;
- Viêm tai giữa đi kèm với tràn dịch gây ra điếc do tổn thương sự dẫn truyền tiếng động trong tai;
- Xơcứng các xương tai, cũng là một nguyên nhân gây điếc do tổn thương sự dẫn truyền tiếng động trong tai;
- Do thay đổi của huyết áp;
- Các bệnh nội tiết, như bệnh tiểu đường hay các bất thường của tuyến giáp;
- Tổn thương vùng đầu cổ;
- Bất thường của vùng khớp hàm thái dương;
- Thuốc men, cũng là một trong các thủ phạm rất thường gặp gây ra ù tai. Một số thuốc thường gặp có thể gây ra ù tai:
+ Aspirin
+ Một số thuốc chữa cao huyết áp
+ Một số thuốc kháng sinh
+ Một số thuốc trị trầm cảm và lo lắng
+ Một số thuốc antihistamine
+ Một số thuốc giảm đau, chống viêm
+ Một số thuốc an thần
- Bướu thần kinh thính giác, nếu không được cắt bỏ kịp thời, có thể chèn ép thần kinh, gây điếc.
III. Ù tai ảnh hưởng đến sức khỏe
Triệu chứng ù tai, có thể gây ra nhiều vấn đề, ví dụ:
- Mất ngủ
- Mất tập trung
- Trầm cảm
- Bực bội, vân vân
Ngoài ra, các bệnh gây ra ù tai, cũng có thể gây ra điếc, chóng mặt, buồn nôn...
IV. Cách điều trị bệnh ù tai
Ðiều quan trọng nhất là chữa nguyên nhân kịp thời và thích hợp, đặc biệt là những người bị ù tai không cân xứng giữa hai tai, hoặc chỉ bị ù một bên tai, hoặc bị ù tai liên tục.
Nếu bác sĩ chuyên khoa tai không tìm ra nguyên nhân của ù tai, một số phương pháp có thể giúp làm giảm ù tai, dù nhiều phương pháp chưa được chứng minh rõ ràng bằng các nghiên cứu khoa học. Một số trong số này có thể được tự thực hiện ở nhà một cách dễ dàng. Ví dụ như:
- Thể dục đều đặn, giúp cho máu đến vùng đầu cổ đầy đủ hơn
- Tránh rượu và những thứ có rượu, thuốc lá, chất caffeine, phó mát. Vì các thứ này có thể làm ù tai tệ hơn
- Ăn bớt mặn
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Tránh tiếng ồn
- Kiểm soát huyết áp đúng mức
- Thưgiãn, ví dụ như tập dưỡng sinh
- Dùng các tiếng động nhẹ nhàng khác để “đè” tiếng ù, như nghe nhạc nhẹ, dùng tiếng quạt máy,... nhất là vào giờ đi ngủ
Trên đây là một số cách mà ta có thể tự thực hiện. Các bác sĩ có thể dùng nhiều thuốc men hoặc một số phương pháp chuyên môn khác để giúp ta giảm hoặc khỏi ù tai. Các thuốc này cần toa cũng như cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ, mỗi trường hợp có thể hoàn toàn khác nhau và đòi hỏi thuốc men cũng như các phương pháp khác nhau. Cũng như trong các đại đa số các trường hợp bệnh tật khác, ta không nên “mượn” thuốc hoặc cho nhau thuốc, vì đôi khi điều đó có thể gây ra nhiều nguy hiểm nếu không dùng đúng thuốc trị đúng bệnh, và không được theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ để kịp phát hiện và chữa trị các tác dụng phụ hoặc biến chứng của thuốc và của bệnh.
Những biện pháp giảm bớt ù tai
“Lặp quen”: đối với những người mắc chứng ù tai lâu ngày, phương pháp điều trị duy nhất là rèn luyện não để làm quen với thứ tiếng động nhiễu (phương pháp “lặp quen” nhằm quên đi một phản xạ). Phương cách là không phải chữa khỏi ù tai, nhưng tạo cảm giác là ù tai không gây phiền nhiễu, và phương pháp “lặp quen” cho kết quả rất tốt: có tới 85% ca được cải thiện.
Máy phát tiếng động: Máy có kích thước nhỏ, có hoặc không ghép với bộ phận trợ thính, được gắn vào vành tai, luôn luôn phát ra cùng một dạng âm thanh. Cần đeo máy trong khoảng từ 12-18 tháng.
Liệu pháp ứng xử và tĩnh tâm học: Chúng đều có mục tiêu là quản trị stress. Lợi thế là vừa nhanh vừa hiệu quả (cần từ 6-10 buổi điều trị). Cũng còn có nhiều giải pháp khác làm giảm thiểu ù tai như liệu pháp thôi miên hoặc một số phương pháp thư giãn như: Xoa bóp, yoga…