Bệnh quặm mi mắt
Quặm mi mắt là gì?
Thuật ngữ quặm mi mô tả sự cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu. Hậu quả của việc này là lông mi sẽ cọ xát liên tục vào giác mạc (tròng đen) và kết mạc (tròng trắng) của mắt và gây tổn thương những cấu trúc này.
I. Nguyên nhân gây quặm mi mắt
Nguyên nhân phổ biến nhất của quặm mi là do sự lỏng lẻo của các mô nâng đỡ mi do lão hóa. Điều này dẫn đến sự cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu. Các nguyên nhân khác là do sẹo mặt trong mi gây ra do viêm, mắt hột chấn thương hay bẩm sinh.
1. Quặm do tuổi già
Quặm do tuổi già thường ở mi dưới. Phần lớn quặm tuổi già là ở trên những mắt bị lõm do tiêu mỡ hốc mắt, làm mất chỗ dựa phía sau của mi khiến cho bờ mi bị đổ ra sau và vào trong.
2. Quặm bẩm sinh
Bờ mi lộn vào trong do khuyết tật cấu trúc của sụn mi, tăng sản cơ vòng mi và lớp da.
3. Quặm do sẹo
Là một biến chứng muộn của những bệnh kết mạc và sụn mi (mắt hột, hội chứng Stevens – Johnson, bỏng hoá chất, bệnh Pemphigut mắt…). Sụn mi mắt bị uốn cong vào trong, kết mạc mi có sẹo, đôi khi có dính mi một phần.
4. Quặm do co thắt
Chủ yếu ở mi dưới, xảy ra ở người lớn khi có co thắt mi mạn tính (do sang chấn sau phẫu thuật, viêm ở mắt). Bệnh nhân nheo mắt kéo dài làm cho bờ mi bị cuộn vào trong. Sự kích thích giác mạc làm cho quặm ngày càng nặng thêm.
II. Triệu chứng quặm mi mắt
Việc lông mi cọ liên tục vào giác mạc và kết mạc có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Chảy nước mắt quá mức
- Mắt có nhiều ghèn
- Cộm xốn như có cát trong mắt
- Đau khi tiếp xúc với ánh sáng
- Nhìn mờ
Trước và sau phẫu thuật quặm.
III. Biến chứng quặm mi mắt
Quặm mi kéo dài không được chữa trị có thể dẫn đến sẹo giác mạc cũng như gia tăng nguy cơ viêm loét giác mạc. Điều này rất nghiêm trọng có thể dẫn đến giảm sút thị lực thậm chí mù lòa hoàn toàn. Vì thế nên chữa quặm trước khi xuất hiện biến chứng vĩnh viễn này. Nếu bệnh nhân quặm cần phẫu thuật đục thủy tinh thể thì nên phẫu thuật quặm trước khi phẫu thuật thủy tinh thể.
IV. Điều trị quặm mi mắt
- Tra mỡ kháng sinh (Tobramicin, Erythromycin… 3 lần/ngày để điều trị viêm giác mạc chấm nông).
- Tạm thời có thể dùng băng dính lật bờ mi ra xa nhãn cầu.
- Muốn điều trị dứt điểm thường phải phẫu thuật.
Mục đích của phẫu thuật là làm cho khít lại mi và những chỗ bám vào của mi nhằm trả lại tính đàn hồi và tái lập vị trí bình thường của mi. Nếu cần trì hoãn phẫu thuật có thể treo hoặc khâu tạm thời da mi phía thái dương để bảo vệ mắt. Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo đi kèm. Đây chỉ là phương pháp tạm thời.
Quặm mi gây sự kích thích kết giác mạc trong những trường hợp nặng có thể dẫn đến mờ vĩnh viễn thậm chí mù lòa. Bệnh nhân nên đến khám bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị sớm.