Logo Bài Thuốc Quý

Tác hại do thường xuyên sơn móng tay, móng chân

01/01/2020 · LÀM ĐẸP
Làm móng là một trong những cách làm đẹp của chị em. Tuy nhiên việc lạm dụng sơn móng tay, móng chân quá nhiều sẽ gây tác hại cho cơ thể. Nếu bạn hay làm móng hãy tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với cơ thể của mình.

Tác hại khi sơn móng tay, móng chân

Một số sản phẩm sơn móng tay có chứa các chất độc hại nguy hiểm có thể gây ung thư.

Hóa chất độc hại trong mỹ phẩm

Một số sản phẩm sơn móng tay có chứa các chất độc hại nguy hiểm có thể gây ung thư, vô sinh, tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ, sinh con dị tật,… điển hình là các hóa chất formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate.

– Formaldehyde có tác dụng làm cứng móng, khử trùng dụng cụ chăm sóc móng, được biết đến là chất gây ung thư.

– Hấp thụ chất phthalate vào cơ thể trong thời gian dài, có thể gây sảy thai hoặc làm dị dạng thai nhi.

– Tolue gây ảnh hưởng xấu đế các mô tế bào não, gan, thận ngay sau khi hít vào. Chất gây độc hại trực tiếp đến thần kinh, nhất là với những phụ nữ có thai.

– Aceton có trong nước rửa móng tay, móng chân rất dễ bay hơi. Hít nhiều chất bay hơi này sẽ rất hại phổi, gây cảm giác chóng mặt, buồn nôn, ở hàm lượng cao có thể gây hôn mê, ảnh hưởng các nội tạng cơ thể.

Các nghiên cứu cho thấy sơn móng tay giá rẻ có chứa thành phần của sudan, loại chất hóa học có độc tố cao, gây nguy cơ ung thư. Các chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ đang mang thai hay chuẩn bị mang thai không nên sơn móng tay, móng chân.

Nấm móng

Nấm móng (Onychomycosis) là một trong những tổn thương thường gặp ở chị em làm nail. Nguyên nhân chủ yếu do vi nấm Trychophyton hoặc vi nấm Candida, vi nấm Dermatophytes… gây ra. Tổn thương bắt đầu từ bờ tự do hoặc 2 cạnh bên của móng. Triệu chứng ban đầu là móng mất độ bóng, giòn, dày lên và đổi màu.

Nếu do vi nấm Trichophyton, tổn thương biểu hiện bằng những chấm trắng đục gần gốc móng. Do vi nấm Candida, gốc móng thường viêm sưng, nóng, đỏ, đau, tăng tiết dịch khi đè, sần sùi, tăng sừng, có dạng sọc màu nâu xám hoặc ly móng (móng bị hở). Ở giai đoạn cuối, nấm và vi khuẩn tấn công sâu hơn vào vùng da phía trong, khiến toàn bộ móng bị hủy hoại.
Bệnh nấm móng khó điều trị và dễ tái phát, có khả năng lây lan nhanh từ móng này qua móng khác hoặc từ người dùng chung dụng cụ nail. Thời tiết nóng ẩm mùa hè cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh xuất hiện, vi nấm sinh sôi và phát triển mạnh hơn.

Nhiễm trùng quanh móng

Theo chuyên gia về sức khỏe cho biết, nhiễm trùng quanh móng (Paronychia) thường tiến triển nhanh, gây nhiễm trùng vùng da bao quanh móng với biểu hiện nóng đỏ, có mủ và sưng tấy đau đớn. Nguyên nhân chính là do sử dụng kềm cắt da không vệ sinh để châm chích lớp biểu bì, vành da mỏng bên lề ngoài của móng. Nếu cắt quá sâu, móng phát triển bất thường sẽ chọc vào tổ chức xung quanh, gây hiện tượng móng chọc thịt. Nếu không điều trị thích hợp, bệnh có thể diễn tiến viêm tủy xương các ngón gây biến dạng và hạn chế khả năng vận động.

Theo Thu Thu/Phunutoday.vn