Tác hại của việc sơn và trang trí móng tay, móng chân
Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên lạm dụng sơn, dùng móng giả. Ảnh minh họa: TL
Hiện nay, ngoài việc sơn móng tay thông thường thì công nghệ làm móng cũng hết sức đa dạng, từ vẽ họa tiết sau khi sơn móng tới đính đá, ngọc trai, tráng gương (phản chiếu như những chiếc gương), phủ bột nhung, sơn dạ quang với đầy đủ các màu sắc, kiểu dáng thời trang. Tuy nhiên, cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ cũng từng đưa ra cảnh báo, các loại hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde trong một số sản phẩm sơn móng có nguy cơ gây sẩy thai, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như tăng nguy cơ bệnh tiểu đường cho phụ nữ.
Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp sinh con dị tật, bị hoại tử, nhiễm độc, bị ung thư… có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng sơn móng tay, móng chân giả trong thời gian dài. Vì theo các chuyên gia y tế, hầu hết các hóa chất được sử dụng trong công nghệ chế tạo sản phẩm làm đẹp liên quan tới móng tay, móng chân đều là chất có hại đến sức khỏe của người sử dụng cũng như người làm nghề.
Nhiều người cho rằng, móng tay, móng chân là chất sừng, cứng và dày hơn da rất nhiều nên có thể sử dụng hóa chất trên đó mà không nguy hại gì(?!). Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – ĐHKHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, móng tay, móng chân có khả năng thấm hút tốt nên độc chất hoàn toàn có thể dễ dàng thấm vào máu.
Khi sơn sửa móng, người thợ thường cho ngâm bàn tay, bàn chân của khách vào nước ấm, lau khô, cắt tỉa. Thời gian ngâm nước sẽ khiến móng mềm ra khiến cho các chất độc hại có thể dễ dàng thấm vào. Các hóa chất được sử dụng để sơn sửa móng có thể gây dị ứng, khó chịu do có chứa chất kích thích, tệ hơn là nhiễm trùng và các tai biến khác.
Việc vẽ hoa, đắp móng, nếu sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ càng nguy hiểm vì chúng ta không biết được hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm ra sao. Đó là chưa kể việc sơn sửa móng có thể lây nhiễm rất nhiều loại bệnh nguy hiểm (kể cả HIV/AIDS), nếu chẳng may lúc cắt tỉa, người thợ có thể làm xây xước, chảy máu vùng kẽ móng. Các dụng cụ làm móng hoàn toàn có thể là ổ chứa vi trùng, vi khuẩn có hại từ khách hàng khác nếu chúng không được xử lý vô trùng.
PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo, mọi người nên tránh lạm dụng sơn hay gắn móng tay giả. Khi làm móng, nếu thấy xuất hiện triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, phải đến bác sĩ da liễu ngay để tránh xảy ra những phản ứng nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang (Bệnh viện Da liễu Hà Nội) khuyến cáo, những ai có thói quen sơn sửa móng tay thường xuyên đương nhiên sẽ tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại, gây nguy cơ không tốt cho sức khỏe. Những vùng móng nếu bị viêm nhiễm sẽ sưng tấy, ngứa và ứ mủ ở trong hoặc xung quanh. Móng tay, móng chân sẽ trở nên mỏng, yếu dễ gãy và đổi màu.
Khi bị nhiễm trùng vì mang móng giả, chị em cần tháo ngay móng giả, rửa sạch vùng nhiễm trùng bằng xà bông, nước. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, chị em cần đến khám da liễu để được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh hóa chất độc hại, không nên lạm dụng sơn, dùng móng giả. Thợ làm móng nên dùng khẩu trang, găng tay mỏng khi tiếp xúc với thuốc sơn. Không được để sơn dây ra da mình và khách hàng. Sau khi sơn, gắn móng giả xong, cần làm sạch tay, chân ngay. Khi sơn hoặc tẩy sơn móng, cần thực hiện ở nơi thoáng để tránh hít phải chất axeton. Chị em không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại. Để móng luôn hồng hào, bóng mịn, buổi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể dùng tinh dầu dừa hoặc thoa dầu massage móng tay…