Cách giúp tóc nối luôn bền, đẹp lâu nhất
Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Không chỉ quan tâm đến làn da hay quần áo, chị em còn đặc biệt chú ý đến mái tóc của mình. Chỉ vào máy tóc được uốn xoăn bồng bềnh, chị Lý Hồng Nhu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba là tóc. Thôi thì không được dáng, chẳng được da thì mình phải dồn toàn bộ công sức cho mái tóc. Thế nhưng, công cuộc làm đẹp này cũng lắm chông gai. Tóc sử dụng hóa chất nhiều, xơ xác hết cả. Hôm vừa rồi mình phải xử hết tóc cũ và nối thêm tóc vào thì nó mới được như thế này đấy”. Thở dài một tiếng, chị nói tiếp: “Nhưng tóc nối cũng chỉ bóng bẩy tháng đầu thôi, sau đó là xơ xác như rơm. Chồng mình có lúc vuốt tóc mình rồi bảo: “Tóc gì mà như giấy ráp, chạm nhẹ vào là xước hết cả tay”. Nghe mà muốn khóc”.
Khác với chị Nhu, chị Nguyễn Thanh Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù cũng sử dụng tóc nối, thế nhưng, đến mấy tháng nay, tóc vẫn khỏe. Theo chị, đây không phải là lần đầu tiên chị thực hiện nối tóc. Ngày mới tập tành nối tóc, chị cũng khổ sở vì lúc nào cũng có cảm giác đeo đống rơm trên đầu. Sau này, được một người bạn truyền lại kinh nghiệm, chị thấy tự tin hơn nhiều với mái tóc nối của mình.
Ảnh minh họa
Chăm sóc không đơn giản
Tóc nối là thủ thuật cấy ghép những lọn tóc giả vào tóc thật, giúp mái tóc ngắn có thêm độ dài như ý. Thủ thuật này xuất hiện ở Việt Nam đã nhiều năm nay và ngày càng được chị em tin dùng. Với những người mái tóc thường xuyên bị cắt ngắn vì xơ do sử dụng nhiều hóa chất, nối tóc chính là biện pháp lý tưởng để tạo ra bạn tha hồ tạo kiểu.
Theo chị Thu Hằng, chủ tiệm tóc Thu Hằng Salon trên đường Vạn Phúc, Hà Đông, tóc nối có thể ngay lập tức mang lại cho bạn một mái tóc dày, bóng mượt, mềm mại. Tuy nhiên, chăm sóc tóc nối chưa bao giờ là đơn giản. “Có nhiều người nối tóc chưa đầy một tháng mà đã đến đòi tháo ra vì kêu tóc rối quá, xơ quá. Hầu hết các trường hợp này là vì không biết cách chăm sóc”, chị Hằng nhấn mạnh.
Theo chị, tóc nối không được nuôi dưỡng trực tiếp nên khả năng xơ, rối là rất cao. Riêng việc gội đầu cũng đòi hỏi phải có tay nghề. Khi gội, cần tránh trà xát lên phần chân tóc có mối nối. Chiều phun của vòi nước cũng phải xuôi theo chiều buông tự nhiên của mái tóc, nếu không, tóc sẽ bị rối, khó gỡ. Lúc gãi đầu, bạn không được dùng móng tay mà hãy dùng ngón tay để luồn vào vùng da đầu có tóc nối, massage nhẹ nhàng. Sau khi gội xong, cần lấy khăn khô thấm vào tóc để lấy đi lượng nước thừa, tuyệt đối không vò tóc trong khăn. Nếu sấy tóc phải để máy sấy hướng từ trên cao xuống dưới. Lúc chải đầu, bạn nên dùng lược chải từ đuôi tóc trước, sau đó mới tiến dần lên phần chân tóc. Để tóc không bị gãy, rụng, một tay bạn dùng lược chải, một tay giữ phần chân tóc.
Nhiều người sau một thời gian sử dụng tóc nối, thấy chân tóc xuất hiện những chấm trắng. Nguyên nhân là do ẩm ướt khiến tóc và da đầu bị nấm tấn công. Vì thế, để tránh tình trạng này, bạn không nên để đầu ướt đi ngủ hay buộc khi tóc vẫn còn ướt.
Bởi tóc nối là tóc chết nên nó không thể hấp thu dinh dưỡng từ các loại dầu dưỡng thông thường. Vì thế, muốn tóc bóng đẹp, mềm mượt, bạn cần sử dụng các sản phẩm có chức năng làm đẹp tại chỗ dạng xịt hoặc kem bôi.
Cuối cùng, với tóc nối, bạn không nên sử dụng các loại hóa chất như nhuộm, uốn, duỗi tại nhà mà cần đến các tiệm làm tóc chuyên nghiệp để tránh tổn hại tóc.
Vẫn theo chị Hằng, tóc nối nếu được chăm sóc đúng cách, có thể duy trì độ bền, đẹp ít nhất là 6 tháng, thậm chí có thể là cả năm. Song nếu không được giữ gìn, nó sẽ xuống cấp nhanh chóng. Chính vì vậy, với những người có quỹ thời gian eo hẹp, không thể chăm sóc tóc, cần thật cẩn trọng thì thực hiện theo xu hướng làm đẹp này.
Những điều cần biết về tóc nối:
– Tóc muốn nối được phải có chiều dài ít nhất là 10cm, tính từ gốc. Ngoài ra, tóc cũng phải đủ dày để che phủ mối nối, cũng như đủ khỏe để “gánh” được những lọn tóc vừa dài vừa nặng.
– Chiều dài tối đa của tóc nối là gấp 3 lần chiều dài tóc thật
– Thời gian trung bình để nối tóc là từ 1-3 tiếng
– Chi phí nối tóc là từ 1,5-6 triệu, tùy thuộc vào kỹ thuật nối, số lượng tóc cần nối…
Các kiểu nối tóc
– Nối bấm chì: thời gian gắn vào hay gỡ ra đều nhanh nhưng mối nối rất cứng lại xài không bền và dễ làm đứt tóc khi bấm xả.
– Nối thắt bím: cực kỳ bền nhưng còn phải dán kỹ bằng keo sau khi bím cho nên thời gian nối vào tháo ra đều rất lâu. Kiểu này thường làm cho tóc ở phần nối bị nhừ như tóc sâu và hay gây đứt gãy tóc.
– Nối chỉ không xài keo: kiểu này đỡ bị gãy rụng tóc nhưng mối nối thô
– Nối keo: bền và thao tác lại nhanh nhưng tóc dễ bị gãy nếu sử dụng chất liệu keo không tốt.
– Nối tóc bằng sáp hoặc silicon kết hợp với ống nhựa để bọc mối nối: khá an toàn và được ưu tiên sử dụng tại các Salon uy tín.