Món ngon trị rôm sảy cho ngày nắng nóng
Rôm sảy
Rôm sảy không chỉ có ở trẻ em mà cả người lớn cũng bị. Theo Đông y, rôm chủ yếu do thấp nhiệt độc tà xâm phạm vào cơ thể, tích đọng ở da thịt mà gây nên bệnh.
Kinh nghiệm của Đông y cho thấy, trong điều kiện gia đình, ngoài việc sử dụng các loại thảo dược, còn có thể sử dụng các món ăn - bài thuốc để chữa rôm, an toàn mà vẫn đạt hiệu quả rất tốt. Hãy cùng tìm hiểu những món ăn vừa ngon, vừa tránh được rôm sảy ngày hè cho cả nhà các mẹ nhé.
Món ngon trị rôm sảy
Tùy theo biểu hiện của rôm sảy mà người ta chia thành các loại
Thể chính thịnh tà thực
Đây là thể bệnh hay gặp ở những người khỏe mạnh (chính khí thịnh) trong ngày hè nóng bức. Độ ẩm (thấp) và nhiệt độ (nhiệt) không khí quá cao, biến thành “thấp tà” và “nhiệt tà”, khiến cho cơ thể bị mắc bệnh (Đông y gọi là “tà thực”).
Chứng trạng chủ yếu: vùng da có rôm thường đỏ ửng. Rôm mọc nhiều, nóng rát, ngứa kịch liệt. Do ngứa gãi thương tổn da, gây nhiễm trùng mà phát sinh viêm nang lông, mụn mủ hoặc đinh nhọt sưng thũng, tấy đỏ, nóng rát rõ rệt, ấn vào đau kịch liệt. Thường kèm theo phiền khát, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hồng sác (to, nhanh). Với loại hình này, có thể sử dụng các:
Canh đậu xanh bí đao
- Thành phần: đậu xanh 30g, bí đao 60g, thịt lợn nạc 100g.
- Cách chế và sử dụng: ba thứ đem nấu canh, ăn trong bữa cơm; liên tục 5 - 7 ngày (một liệu trình).
- Công hiệu: đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu thử; bí đao thanh nhiệt, lợi thủy; thịt lợn nạc tư âm nhuận táo. Ba thứ kết hợp có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết; sử dụng chữa rôm sảy thuộc thể “chính thịnh tà thực” có kết quả tốt.
Cháo đậu xanh
- Thành phần: đậu xanh 60g, gạo tẻ 60g.
- Cách chế và sử dụng: hai thứ vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, nấu đến khi đậu xanh nở bung ra là được; chia ra 2 lần ăn trong ngày; liên tục 5 - 7 ngày (một liệu trình).
Cháo đậu xanh
- Công hiệu: đậu xanh cùng gạo nấu cháo, vừa có tác dụng bổ sung nhiệt lượng, lại vừa có tác dụng chữa trị rôm sảy.
Cháo bí đao ý dĩ
- Thành phần: đông qua (bí đao) 60g, ý dĩ (hạt bo bo) 30g.
Cháo bí đao nấu đậu xanh
- Cách chế và sử dụng: bí đao rửa sạch, thái miếng; cùng ý dĩ nấu thành cháo. Chia ra ăn, buổi sáng và buổi tối; liên tục 5 - 7 ngày (một liệu trình).
Hạt ý dĩ
- Công hiệu: đông qua có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy; ý dĩ thanh phế trừ phiền, lợi thủy, kiện tỳ. Hai thứ kết hợp, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải độc hòa vị. Có thể sử dụng chữa rôm sảy và các loại mụn nhọt, kết quả tương đối tốt.
Trà đậu xanh lá sen:
- Thành phần: đậu xanh 60g, lá sen 1 cái, đường phèn lượng thích hợp.
- Cách chế và sử dụng: lá sen rửa sạch, thái nhỏ, thêm nước, nấu trong 15 phút, chắt lấy nước, cho đậu xanh vào nấu đến khi chín nhừ; thêm đường phèn vào cho đủ ngọt. Chia ra ăn hết trong ngày; liên tục 5 - 7 ngày.
- Công hiệu: đậu xanh thanh nhiệt giải độc tiêu thử; hà diệp (lá sen) lợi thủy giải thử; đường phèn nhuận táo. Ba thứ kết hợp, có tác dụng chữa rôm, đạt kết quả tốt.
Thể khí huyết lưỡng hư:
Hay gặp ở trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, người cao tuổi cơ thể suy yếu, bị thiếu máu, đái tháo đường... Đông y cho rằng, đó là những đối tượng “khí huyết lưỡng hư”.
Chứng trạng chủ yếu: chỗ da bị bệnh có màu tối, số lượng rôm không nhiều, không nóng, không ngứa ngáy kịch liệt. Kèm theo các triệu chứng như da mặt nhợt nhạt, người mệt mỏi, tinh thần uể oải, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng; lưỡi nhợt ít rêu, mạch tế vô lực (nhỏ yếu).
Với loại hình này, có thể sử dụng:
Giá đậu xanh xào thịt bò:
- Thành phần: giá đậu xanh 250g, thịt bò nạc 50g.
- Cách chế và sử dụng: thịt bò rửa sạch, thát lát, xào với giá đỗ xanh; ăn trong bữa cơm; liên tục 5 - 7 ngày.
Công hiệu: giá đỗ xanh thanh nhiệt giải độc, lợi tam tiêu; thịt bò bổ tỳ vị, ích khí huyết, cường cân cốt. Hai thứ kết hợp, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ tỳ vị, ích khí huyết. Có tác dụng hỗ trợ trị liệu tốt, đối với chứng rôm thuộc loại hình cơ thể suy nhược, khí huyết lưỡng hư.
Đậu xanh hầm chân giò lợn:
- Thành phần: thịt chân giò lợn 100g; đậu xanh 50g. Mắm muối gia vị vừa đủ.
- Cách chế và sử dụng: thịt chân giò rửa sạch, thái nhỏ; đậu xanh vo sạch. Hai thứ cùng cho vào nồi, thêm nước, nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, thêm gia vị, mắm muối cho vừa miệng; ăn trong bữa cơm; liên tục 5 - 7 ngày.
Công hiệu: đậu xanh thanh nhiệt giải độc, tiêu thử; chân giò tư âm nhuận táo bổ hư. Hai thứ kết hợp, có tác dụng tiêu thử giải độc, hòa trung bổ hư. Có thể sử dụng chữa rôm thể “khí huyết lưỡng hư”.
Canh măng tre cá diếc:
- Thành phần: măng tre, cá diếc tươi; mỗi thứ 250g.
- Cách chế và sử dụng: cá diếc cạo sạch vây, bỏ nội tạng, rửa sạch; măng tre bóc bỏ vỏ và những chỗ già, thái nhỏ. Nấu thành món canh, dùng trong bữa cơm; liên tục 5 - 7 ngày.
- Công hiệu: măng tre có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giáng trọc thăng thanh, giải độc thấu chẩn; cá diếc kiện tỳ lợi thấp, hoạt huyết thông mạch. Hai thứ kết hơp, có tác dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt, lợi thủy, giải thử (trừ nắng nóng). Có thể sử dụng để chữa các chứng rôm sảy, mụn nhọt do cơ thể suy nhược.
Canh mướp đắng thịt lợn:
- Thành phần: mướp đắng (bỏ hạt) 150g, thịt lợn nạc 50g.
- Cách chế và sử dụng: hai thứ rửa sạch, thái nhỏ, nấu thành món canh, ăn cả nước lẫn cái, trong bữa cơm, liên tục 5 - 7 ngày.
- Công hiệu: mướp đắng có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu thử (trừ nắng nóng); thịt lợn chứa nhiều loại acid amin và nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng ích khí dưỡng huyết, tư âm nhuận táo. Hai thứ kết hợp nấu thành canh, có tác dụng chữa rôm thể khí huyết lưỡng hư kết quả khá tốt.