Cách ổn định tiền bạc trước tuổi 30
Ảnh minh họa
1. Bạn nên lập có quỹ khẩn cấp
Độ tuổi trên 20 dưới 30 là thời điểm tốt để bạn đầu tư các kỹ năng và trải nghiệm việc đi du lịch. Để thực hiện việc này, bạn luôn phải có tiền mặt cho các tình huống xấu nhất, gọi là quỹ khẩn cấp.
Số tiền quỹ này bạn nên tích trữ hằng tháng để phòng trường hợp chẳng may phải đi viện cấp cứu hoặc sửa xe tổng thể, đó là chưa nói đến tiền thuê nhà hay thực phẩm trong trường hợp mất việc.
Nếu bạn để mình không có chút tiền dự phòng nào, thì chỉ một chi phí phát sinh nhỏ cũng khiến bạn rơi vào nợ nần, thậm chí ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn.
Vì vậy, hãy tiết kiệm số tiền đủ để bạn sống được 3-6 tháng và không được phạm vào nó chỉ vì những lý do vô bổ như mua sắm hay nhậu nhẹt…
2. Thỏa thuận về mức lương
Trên thực tế, cứ 5 người đi xin việc lần đầu thì chỉ có 2 người dám thảo luận mức lương với người tuyển dụng.
Và 75% quản lý tuyển dụng cho biết, các ứng viên dám thảo luận về lương thường là những người tự tin làm được công việc đó hơn. Điều này cũng giúp bạn tạo ra khác biệt trong thu nhập về sau.
Chỉ cần tăng 5% mức lương khởi điểm ở tuổi 22 là có thể mang lại hàng trăm triệu đồng khi bạn nghỉ hưu.
3. Hãy trả nợ ngay khi bạn có thể
Khi nhận lương, bạn nên nghĩ ngay đến việc trả nợ (nếu có) chứ không phải là mua sắm, tiêu xài. Thực hiện ngay điều này sẽ giúp bạn cắt được nợ sớm nhất và không đẩy mình vào thế bấp bênh tài chính. Bạn cũng nên ưu tiên trả những khoản nợ có lãi suất cao hơn trước, tránh để “lãi mẹ đẻ lãi con”.
4. Tập trung vào mục tiêu của mình, tránh ảnh hưởng bởi người khác.
Ai cũng có một hoàn cảnh và mục tiêu riêng, vì thế đừng so sánh mình với người khác mà hãy tập trung vào mục tiêu riêng.
Đừng nhìn vào tấm gương tiêu tiền của bạn bè, đồng nghiệp hay họ hàng của mình để lấy đó “than thân trách phận”. Bởi họ cũng có thể có các khoản nợ, các thất vọng, hay các kế hoạch mà chỉ họ biết.
Hay nếu bạn cảm thấy ghét công việc đang làm mà chỉ theo đuổi vì lương hay chức vụ thì tốt nhất nên xin thôi việc. Bởi chỉ công việc yêu thích mới khiến bạn hạnh phúc, phát triển khả năng và đem lại thành công về sau.
5. Chi phí đám cưới càng lớn, hôn nhân càng ngắn
Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy các cặp có chi phí đám cưới cao hơn 20 nghìn đôla thì có khả năng ly dị cao gấp 1,6 lần so với các cặp chỉ tốn 5-10.000 đôla.
Các nhà nghiên cứu không tìm hiểu lý do đằng sau phát hiện này, vì vậy họ phỏng đoán khả năng là do chi phí thấp dẫn tới ít các tranh cãi trong hôn nhân.
Bạn cũng nên hiểu rằng đám cưới sang trọng, khoa trương không phải là tiền đề của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vì vậy, hãy cân nhắc các biện pháp tiết kiệm sau: chọn nhà hàng tương đối hoặc của người quen, không đắt đỏ. Chỉ mời những người thực sự thân thiết…
6. Cân nhắc các khoản tài chính trước khi quyết định có con
Hiện nay, chi phí nuôi một đứa trẻ lên đến hàng trăm triệu đồng, đó là chưa kể chi phí mang thai. Dù bạn quyết định có con ở thời điểm nào đi nữa, cần chú ý tới tất cả các chi phí có thể phát sinh: ăn uống – quần áo – khám bệnh – học hành…
Vì vậy, chỉ khi lương bạn cao hơn và có tích lũy tiền bạc ổn định thì mới nên nghĩ đến việc có con.
7. Đóng góp để có tiền lương hưu cao
Lương hưu có lẽ là ý nghĩ khá xa xôi với các bạn trẻ nhưng không bao giờ thừa, vì nó hình thành ngay từ bây giờ và ảnh hưởng tới nửa quãng đời sau của bạn. Hãy nhớ 3 quy tắc cơ bản: Tối đa hóa sự đóng góp, tối thiểu chi phí, và đầu tư đa dạng.
Hãy đóng tiền bảo hiểm xã hội cho lương hưu ở mức cao nhất có thể, lý tưởng nhất là 10-15% thu nhập, nó sẽ cho bạn thành quả tốt khi nghỉ hưu. Vì vậy, nên chọn cơ quan bảo hiểm có tính tin cậy nhất, và tốn ít chi phí nhất.