Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày - tá tràng kết hợp châm cứu

06/03/2020 · Bài thuốc
Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh rất hay gặp, nếu được phát hiện sớm có thể chữa trị được hoàn toàn. Tuy nhiên, khi bệnh sang giai đoạn mạn tính, điều trị sẽ khó khăn và dễ gây các biến chứng.

Viêm loét dạ dày - tá tràng là tình trạng tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Đây là bệnh rất hay gặp, nếu được phát hiện sớm có thể chữa trị được hoàn toàn. Tuy nhiên, khi bệnh sang giai đoạn mạn tính, điều trị sẽ khó khăn và dễ gây các biến chứng.

Y học cổ truyền xếp viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi chứng “vị quản thống”. Nguyên nhân do các yếu tố tinh thần như: lo lắng, suy nghĩ, tức giận quá độ và kéo dài ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn. Tức giận nhiều ảnh hưởng đến tạng can, làm can khí uất kết mất khả năng sơ tiết, gây rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị. Ngoài ra, còn do ngoại cảm hàn tà xâm nhập hoặc do ăn uống không điều độ: ăn quá no hoặc quá đói, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, chua... ảnh hưởng đến chức năng của tỳ vị, làm khí cơ bị trở trệ dẫn đến đau.

Viêm loét dạ dày - tá tràng do can khí uất kết hay gặp vào lúc chuyển mùa (thu - đông hay đông - xuân). Người bệnh có triệu chứng đau vùng thượng vị từng cơn, đau lan ra 2 mạn sườn, xuyên ra sau lưng, ăn vào càng đau thêm, bụng đầy trướng, ấn thấy đau (cự án), ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng, mạch tế huyền. Thể trạng này gọi là thể can khí phạm vị hay can vị bất hòa, can khắc tỳ, can mộc khắc tỳ thổ...

Phương pháp chữa viêm loét dạ dày - tá tràng: Hòa can lý khí (sơ can giải uất, sơ can hòa vị). 

Các bài thuốc chữa viêm loét dạ dày - tá tràng

Bài 1 - Sài hồ sơ can thang

Sài hồ 12g, chỉ xác 12g, bạch thược 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g, hương phụ 8g, thanh bì 8g. Sắc uống. Nếu đau nhiều, thêm khổ luyện tử 8g, diên hồ sách 8g; ợ chua nhiều, thêm mai mực 20g.

Cây dạ cẩm trị viêm loét dạ dày tá tràng

Cây và vị thuốc dạ cẩm - một vị thuốc chữa viêm loét dạ dày - tá tràng.

Bài 2 - Bột lá khôi

Lá khôi 10g, chút chít 10g, bồ công anh 12g, nhân trần 12g, lá khổ sâm 12g. Tất cả tán bột, ngày uống 30g với nước sôi để nguội.

Bài 3 - Thang tiểu ô trầm

Hương phụ 8g, ô dược 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị ngực bụng trướng đau, bệnh về chức năng thần kinh dạ dày.

Bài 4 - Cao dạ cẩm

Dạ cẩm 300g, đường 900g. Nấu cao chế thành sirô, uống ngày tương đương 30g dạ cẩm.

Bài 5

Lá khôi 20g, khổ sâm 16g, hậu phác 8g, cam thảo nam 16g, bồ công anh 20g, hương phụ 8g, uất kim 8g. Sắc uống.

Bài 6 - Trầm hương giải khí tán

Trầm hương 6g, sa nhân 8g, chích thảo 6g, hương phụ 10g, diên hồ sách 8g, khổ luyện tử 8g. Sắc uống. Dùng trong trường hợp viêm dạ dày có đau bụng dữ dội.

Bài 7 - Tiêu diêu tán gia giảm

Sài hồ 4g, bạch truật 4g, phục linh 12g, đương quy 8g, bạch thược 20g, cam thảo 4g, trần bì 4g, thần khúc 4g. Sắc uống.

Kết hợp châm cứu hoặc xoa bóp các huyệt: Thái xung, tam âm giao, túc tam lý, trung quản, thiên khu, can du, tỳ du, phế du. Nhĩ châm: vùng dạ dày, giao cảm. Thủy châm các huyệt trên bằng atropin, novocain, B12 để cắt cơn đau.

Vị trí huyệt các huyệt đạo

Thái xung: Sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1,5 tấc, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.

Tam âm giao: Ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 tấc.

Túc tam lý: Dưới mắt gối ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước, khe giữa xương chày và xương mác.

Trung quản: Lỗ rốn thẳng lên 4 tấc, hoặc lấy ở điểm giữa của đoạn thẳng nối rốn và đường gặp nhau của 2 bờ sườn.

Thiên khu: Từ rốn đo ngang ra 2 tấc.

Can du: Dưới gai sống lưng 9 đo ngang ra 1,5 tấc.

Tỳ du: Dưới gai sống lưng 11, đo ngang ra 1,5 tấc.

Phế du: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 tấc. 

Theo SuckhoeDoiSong