Bệnh trứng cá (mụn trứng cá)
Mụn trứng cá là gì?
Bệnh trứng cá (mụn trứng cá) là một bệnh ngoài da, chủ yếu gặp ở tuổi thanh thiếu niên nhất là tuổi dậy thì. Thống kê cho thấy có tới 80% thanh thiếu niên Việt Nam mắc bệnh trứng cá. Trứng cá không phải là một bệnh nguy hiểm và cũng không thuộc loại bệnh lây cho người khác. Tuy vậy trên một cơ thể, mụn trứng cá có thể từ vị trí này lan sang vị trí khác (từ lưng, mặt có thể lan ra bụng, ngực, cánh tay, bả vai).
I. Nguyên nhân gây bệnh mụn trứng cá
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trứng cá. Thông thường người ta thấy mụn trứng cá chủ yếu do bị viêm nang lông, tuyến bã, do đó các chất nhờn tích tụ lại trong nang lông không được bài tiết ra ngoài kèm theo tăng tiết mồ hôi (bởi nang lông bị tắc nghẽn hoặc do bài tiết quá nhiều). Sự gia tăng bài tiết mồ hôi và chất bã nhờn làm tích tụ ngày một nhiều trong lỗ chân lông tạo thành các mụn. Hiện tượng tăng tiết mồ hôi và tăng tiết bã nhờn diễn ra lúc tuổi dậy thì có liên quan mật thiết đến rối loạn nội tiết tố. Hiện tượng bã nhờn bị ứ đọng tạo thành nhân trứng cá. Một lý do khá quan trọng trong việc hình thành mụn trứng cá là có vai trò của vi khuẩn. Do một số loại vi khuẩn kết hợp với tăng tiết, ứ đọng bã nhờn càng gây nên hiện tượng viêm nhiễm, làm tăng thêm sự ứ đọng của bã nhờn do đó mụn trứng cá càng phát triển. Một số loại vi khuẩn hay gặp trong bệnh trứng cá là Propione – bacterium acnes (hay còn gọi là Corynebacterium acnes), Staphylococcus epidermidis (tụ cầu da), Pityrosporum… Các loại vi khuẩn này bình thường có thể có trên da một số người nhưng nếu gặp ở người có hiện tượng tăng tiết bã nhờn và làm tích tụ bã nhờn thì các vi khuẩn này rất dễ phát huy tác dụng (gây viêm nhiễm mạnh hơn), tức là phối hợp gây nên mụn trứng cá. Ngoài ra các hiện tượng như thức quá khuya hoặc luôn luôn căng thẳng thần kinh hoặc gặp nhiều stress, hoặc ăn quá ngọt, quá nhiều chất cay, nóng cũng góp phần làm gia tăng bệnh mụn trứng cá. Bệnh mụn trứng cá có nhiều loại khác nhau, tùy theo tính chất của bệnh hoặc dựa vào đặc điểm của nốt mụn trứng cá mà người ta đặt tên cho chúng. Người ta gọi một số loại mụn trứng cá như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, mụn cụm, mụn nang, mụn cám, mụn trứng cá bọc… Đặc điểm của bệnh mụn trứng cá là bệnh hay tái phát, mỗi khi khỏi bệnh hoặc bệnh tạm lắng xuống thường để lại sẹo và làm cho da nơi bị mụn trứng cá thâm đen. Thêm vào đó nếu một người bị mụn trứng cá có ở nhiều nơi khác nhau trong cơ thể mà chỉ điều trị ở một nơi thì bệnh rất khó khỏi hẳn mà mụn trứng cá lại từ vùng khác sẽ lan tới vùng cũ làm bệnh tái phát. Chính vì mụn trứng cá làm cho da mặt thay đổi, sẹo sau khi bị mụn trứng cá và thay đổi màu da (đen, sạm) gây buồn phiền không nhỏ cho giới trẻ.
Sự tăng tiết tuyến bã và tuyến mồ hôi gây bệnh trứng cá.
II. Phân loại mụn trứng cá
Trứng cá có nhiều loại nhưng phổ biến nhất vẫn là mấy loại sau.
Trứng cá thông thường: Thường gặp ở thanh thiếu niên từ 12 - 13 tuổi bắt đầu là tăng tiết bã nhờn ở da, sau đó xuất hiện nhân trứng cá (đầu đen) các sẩn, các mụn mủ kế tiếp là bọc đầu trắng, thương tổn thường thấy ở mặt, ngực, phần trên của lưng, nếu không điều trị có thể xuất hiện các sẹo, thể trứng cá này có thể tự khỏi khi 18 tuổi.
Trứng cá bọc: Thương tổn là các nang (Kyste) mầu sẫm dưới da, khi khỏi thường để lại sẹo, đây là thể nặng của trứng cá.
Mụn trứng cá cụm: Biểu hiện lâm sàng đa dạng với cùi mụn, sẩn, mụn mủ, cục, áp xe và sẹo. Vị trí ở lưng, mông, ngực; ít gặp hơn là bụng, vai, cổ, mặt, cánh tay và đùi. Sang thương thường lớn và rất đau, tạo nhiều đường dò chảy dịch hoặc mủ rất hôi. Lành thường để lại sẹo lõm và sẹo lồi. Bệnh thường khởi phát ở tuổi trưởng thành và nam gặp nhiều hơn nữ.
Mụn trứng cá ác tính: Đây là một dạng mụn trứng cá rất nặng. Bệnh thường xuất hiện đột ngột với sang thương viêm, kích thước lớn và rất đau ở ngực và lưng (ít gặp ở mặt). Sang thương nhanh chóng loét ra và lành để lại sẹo. Bệnh nhân thường sốt, kèm với tăng bạch cầu (10.000 - 30.000/mm3), đau khớp, đau cơ và các triệu chứng toàn thân khác. Bệnh đa số gặp ở thiếu niên.
Khi lành thương tổn sẽ để lại sẹo lõm hoặc lồi.
Trứng cá mạch lươn: Là thể nặng nhất của trứng cá, tiến triển mãn tính đến nhiều năm sau tuổi dậy thì, trưởng thành, cần được điều trị đầy đủ.
Trứng cá tuổi trung niên: biểu hiện là các sẩn mủ ở má, cằm, nguyên nhân phức tạp (do hormon, do thuốc, ánh nắng ...)
III. Các giai đoạn phát triển của mụn trứng cá
Mụn trứng cá phát triển qua 4 giai đoạn:
Tắc nghẽn ống chân lông: Các tế bào của tuyến bã và của ống chân lông khi chết sẽ được đào thải ra ngoài qua ống chân lông, nhưng khi chúng không được đào thải theo cơ chế tự nhiên thì sẽ gây tắc nghẽn, ngăn chặn sự di chuyển của chất nhờn trong ống.
Sự hoạt động quá mức của tuyến bã: Lượng chất nhờn sản xuất tại tuyến bã được kích thích bởi hoóc môn, chủ yếu là testosteron. Do việc sản xuất hoóc môn của cơ thể tăng cao nhất vào những năm trưởng thành nên việc sản xuất chất nhờn cũng tăng nhanh. Nam giới thường bị mụn trứng cá nặng hơn nữ ở tuổi trưởng thành do lượng testosteron được sản xuất nhiều hơn. Người ta cũng thấy không có mụn trứng cá ở nam giới khi đã bị cắt bỏ 2 tinh hoàn.
Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes: Vi khuẩn Propionibacterium acnes hiện diện rất nhiều trên da của bệnh nhân bị mụn trứng cá. Chúng sẽ kết hợp với lượng chất nhờn và các tế bào chết để làm tăng độ nghiêm trọng của mụn và sự sưng tấy ống chân lông.
Tình trạng sưng tấy của chân lông: Khi vi khuẩn Propionibacterium acnes tấn công lỗ chân lông, bề mặt của ống chân lông sẽ bị sưng tấy. Sự sưng tấy này gây nên mụn trứng cá mủ xuất hiện trên mặt da. Nếu sưng tấy kéo dài và không được chữa trị, các mụn u nang lông nghiêm trọng sẽ phát triển sau đó, dẫn đến nhiễm trùng cũng như tạo sẹo vĩnh viễn.
IV. Điều trị mụn trứng cá
Mặc dù mụn trứng cá không phải là một bệnh đe dọa cuộc sống nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn lên chất lượng cuộc sống khi mà bệnh đa phần tác động lên lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh gây cho người bệnh cảm giác bối rối, bất an khi tiếp xúc với người khác và thậm chí có thể gây trầm cảm, xa lánh bạn bè, thụ động. Đặc biệt đối với mụn trứng cá nặng nếu như chúng ta không biết chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng tâm sinh lý vĩnh viễn. Chúng ta cần nắm rõ các yếu tố sau nhằm góp phần đem lại hiệu quả tối ưu trong việc giải quyết các trường hợp này:
Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục. Tất cả những điều trị mụn trứng cá cần làm là phải ngăn những đợt mụn mới bộc phát. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần phải được chữa lành và được cải thiện theo thời gian. Nếu mụn trứng cá không có cải thiện sau 2-3 tháng điều trị, cần phải thay đổi phác đồ khác theo ý kiến của bác sĩ Da liễu, tùy theo dạng mụn trứng cá.
Đôi khi, những phát ban do mụn trứng cá có thể gây ra do những nguyên nhân khác như dùng mỹ phẩm, một số dung dịch hay một số thuốc dùng bằng đường uống. Cần phải cung cấp những thông tin gần đây về việc dùng thuốc trên da hay bằng đường uống cho bác sĩ Da liễu của bạn.
Điều trị tại chỗ
- Thuốc thoa
- Khá nhiều những dung dịch hay kem bôi gây ra mụn trứng cá nhẹ hoặc làm da trở nên khô hơn, do đó cần đọc chỉ dẫn sử dụng một cách cẩn thận.
- Có nhiều loại kem, gel, hay dung dịch bôi có chứa chất giống vitamine A, benzoyl peroxide, hay kháng sinh nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy. Bác sĩ Da liễu sẽ cho bạn những lời khuyên về cách sử dụng thuốc an toàn và làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ.
Nếu bạn dự định sẽ mang thai, hay đang có thai hoặc cho con bú, nên thông báo cho bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ một thuốc nào (kể cả thuốc bôi).
Điều trị tiểu phẩu
Can thiệp phẫu thuật đối với mụn trứng cá có thể được thực hiện bởi bác sĩ da liễu, nhằm loại bỏ những mụn đầu đen hay đầu trắng.
Bào da vi phẫu có thể được dùng để loại bỏ những lớp trên cùng của da nhằm làm cải thiện những bất thường trên bề mặt da.
Lột da nhẹ bằng hóa chất như: acid salicylic hay glycolic acid sẽ giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, mở những mụn đầu đen và đầu trắng, cũng như kích thích sự tạo da mới.
Tiêm corticosteroids có thể được sử dụng trong điều trị những mụn trứng cá nốt cục; cách này có thể giúp chúng biến mất nhanh hơn.
Kháng sinh
Những kháng sinh dùng bằng đường uống như: tetracycline, doxycycline, minocycline hay erythromycine thường được kê toa. Đối với mụn trứng cá nặng có thể dùng thêm sulfamethoxazol/trimethoprime hoặc Dapsone
Thuốc viên ngừa thai
Thuốc viên ngừa thai có thể cải thiện đáng kể tình trạng mụn trứng cá, và được dùng theo một cách riêng trong điều trị mụn trứng cá. Điều quan trọng là cần phải biết những kháng sinh dùng bằng đường uống nào có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai uống. Vì thế cần theo dõi một cách thận trọng tác dụng phụ khi dùng thuốc này.
Những phương pháp trị liệu khác
Trong những trường hợp mụn trứng cá nặng không đáp ứng với điều trị, isotretinoin có thể được dùng. Những bệnh nhân dùng isotretinoin cần phải biết những tác dụng phụ của thuốc này. Theo dõi thường xuyên trong những lần tái khám là cần thiết. Khi đang dùng thuốc này không được có thai, vì thuốc có thể gây quái thai.
Phái nữ cũng có thể dùng hóc môn sinh dục nam hoặc những thuốc làm giảm hóc môn sinh dục nam nhằm giúp cải thiện tình trạng mụn.
Liệu pháp ánh sáng quang học với bước sóng có ánh sáng xanh có thể giúp ích trong điều trị mụn trứng cá.
Bác sĩ da liễu của bạn sẽ đánh giá tình trạng mụn trứng cá của bạn và khuyến cáo những công thức điều trị thích hợp; tùy vào tuổi, giới, dạng mụn trứng cá mà bạn mắc phải.
Điều trị sẹo của mụn trứng cá
Bác sĩ Da liễu có thể điều trị các dạng sẹo của mụn trứng cá theo nhiều cách khác nhau. Tái tạo bề mặt da bằng laser, bào da, hóa chất hay đốt điện có thể làm phẳng sẹo lõm. Sự tăng sinh mô mềm cùng với các sợi collagen hay tổ chức mô mỡ có thể gây ra sẹo. Đối với sẹo lõm có thể sửa chữa sẹo bằng dao vi phẫu và kỹ thuật ghép da. Việc kết hợp những điều trị phẫu thuật da này có thể cho kết quả khác nhau đáng kể.
Chăm sóc da đúng cách
Vấn đề không phải chỉ bác sĩ da liễu của bạn đã dùng thuốc gì để điều trị mụn trứng cá, mà là việc bạn tiếp tục chăm sóc da trong và sau điều trị có đúng cách không. Mụn trứng cá không chữa khỏi hẳn, nhưng có thể kiểm soát được; điều trị đúng cách sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và có thể ngăn ngừa được tình trạng sẹo mụn.
1. Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá nặng:
- Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo da.
- Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lổ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều
- Chọn lựa các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo cồi).
- Nên rửa mặt 2 – 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp 1 lần vào buổi tối khi da nhờn. Khi rửa không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xướt da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.
2. Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
- Hạn chế ăn ngọt, chất béo.
- Ngủ đều độ, tránh thức khuya.
- Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm thiểu stress và mất ngủ.
- Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng; đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sậm; bôi kem chống nắng.
- Nên kiên trì thăm khám nhiều lần và liên tục bởi bác sỹ chuyên khoa da liễu.
- Không nên dùng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen, hoặc tự mua thuốc dùng bởi vì việc điều trị rất khác nhau giữa người này và người khác, nó phụ thuộc tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm loại da, loại mụn…
- Có thể phối hợp phương pháp chính gồm thuốc uống, thuốc thoa với các phương pháp hỗ trợ như chiếu ánh sáng xanh, chiếu tia laser, lột da …