Mối nguy hại tiềm ẩn từ dầu gió
Mối nguy tiềm ẩn từ dầu gió
Dầu gió được chiết xuất từ các loại tinh dầu thảo mộc như bạc hà, khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu… Dầu gió có vị cay, tính mát, có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng, chống xung huyết, giảm phù nề, làm cho tinh thần sảng khoái.
Dầu gió mang lại cảm giác mát lạnh dễ chịu nên nhiều người rất thích thoa. Tuy nhiên cần sử dụng dầu gió đúng cách, tránh gây hại cho sức khỏe.
Tinh dầu bác hà khi thoa vào da sẽ bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác mát lạnh (do kích thích bài tiết mồ hôi, làm hạ thân nhiệt) do đó rất hiệu quả với các trường hợp đau dây thần kinh.
Tuy nhiên, vì trong dầu gió còn chứa eukalyptol và long não, đặc biệt long não là một chất vô cùng độc hại đối với trẻ em nếu sử dụng không đúng cách.
Những cách dùng dầu gió sai lầm mà nhiều người hay mắc phải
- Quá lạm dụng, bị bất cứ bệnh gì cũng thoa dầu gió.
-Thoa dầu qua phần da trầy xước: những vết thương hở hay trầy xước nếu tiếp xúc với dầu gió sẽ khiến người dùng có cảm giác đau rát, vết thương lâu lành hơn.
- Cố tình hoặc vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) sẽ gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.
Biểu hiện ngộ độc dầu gió
Theo các chuyên gia, lượng camphor cho phép trong các chế phẩm dầu gió chỉ khoảng 3-11%. Khi bị ngộ độc, long não có thể gây tác hại với những triệu chứng xuất hiện chỉ trong vòng 5-90 phút sau tiếp xúc, tùy vào lượng dầu nhiều hay ít.
Các biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, ngộ độc dầu gió có thể dẫn đến tử vong.
Những cẩn trọng khi sử dụng dầu gió
Dầu gió có tác dụng phụ làm tăng bài tiết mồ hôi, khiến thân nhiệt hạ thấp. Vì vậy không được dùng cho người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp. Hơn nữa, tinh dầu bạc hà có nguy cơ gây hiện tượng ức chế tuần hoàn và hô hấp dẫn đến ngừng tim và ngừng thở, vì vậy phải tuyệt đối không dùng dầu gió cho trẻ em dưới hai tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai, đang cho con bú.
Ngoài ra nếu dùng quá thường xuyên sẽ dễ gây "nhờn thuốc" giảm tác dụng.
Sau đây là nguyên văn ý kiến của TS.DS Nguyễn Phương Dung Trưởng bộ môn bào chế, khoa y học cổ truyền, đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (SGTT)
- Không dùng dầu gió hơn bốn lần/ngày.
- Dầu gió chỉ hiệu quả khi sử dụng đúng cách. Nên chọn mua dầu gió có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Cần đọc kỹ các thông tin hướng dẫn sử dụng kèm theo bao bì.
- Trước khi thoa dầu cần rửa sạch, lau khô vùng da bị đau, bôi hoặc xoa bóp một lượng vừa đủ. Không bôi quá nhiều dầu và trên diện rộng. Không dùng nhiều hơn ba – bốn lần trong ngày. Cũng không nên dùng thường xuyên mà ngưng ngay khi cơn đau đã chấm dứt.
- Để sử dụng dầu gió an toàn, dùng bôi thoa ngoài da là chính để chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau và làm cho tinh thần sảng khoái. Không nên uống dầu gió để hạn chế các phản ứng phụ nguy hiểm như gây sốc, ngừng hô hấp, ngưng tim.
- Chỉ xông hơi bằng dầu gió khi cơ thể nhiễm lạnh. Khi sử dụng dầu gió với phụ nữ đang mang thai và trẻ dưới hai tuổi, cần phải có ý kiến tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ.