Cây Hibiscus là cây gì?
Ở nước ta, từ lâu cây Bụp giấm được trồng làm cảnh khá phổ biến và lấy lá, đài hoa dùng làm rau chua. Cây này trồng nhiều ở miền Trung, có đặc tính không kén đất, ưa đất đồi núi, khí hậu nóng ẩm ở Đông Nam bộ. Ở miền Bắc, cây này được trồng thí điểm ở vùng Hà Tây và Thái Nguyên.
Từ đầu thập niên 90 đến nay, Bụp giấm (giống lấy từ Đức) được Công ty Dược liệu Trung ương II trồng nhiều ở Bà Rịa, Đồng Nai, Sông Bé, Bình Thuận (với diện tích khoảng 400 ha) để xuất khẩu. Năng suất khoảng 400 – 800kg đài khô/ha. Đài hoa phơi khô bảo quản được lâu, sau khi ngâm nước lại trở về trạng thái tươi.
Là loại cây sống một năm, cao 1,5 – 2m, phân nhánh gần gốc, mầu tím nhạt. Lá hình trứng, nguyên, mép có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài mầu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.
Bộ phận dùng làm thuốc là đài quả, lá - được thu hái vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm, không nhăn héo và có màu đỏ sẫm, và cũng chỉ thu hái trong vòng 15 – 20 ngày sau khi hoa nở vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất. Kết quả nghiên cứu về dược lý cho thấy, đài hoa Bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng. Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa Bụp giấm để trị viêm họng, ho.
Cây Hibiscus (Cây bụp giấm)
Đài và lá của cây bụp giấm cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết nước đài hoa Bụp giấm đem tiêm vào mèo thí nghiệm (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp.
Công dụng của cây Bụp giấm rất phong phú cụ thể như lá có vị chua chua, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, chế nước giải khát, làm mứt. Có nơi dùng chế siro. Người ta có thể cho siro đó lên men. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa, quả để trị bệnh scorbut. Toàn cây có thể chế rượu vang: Rượu có mầu đỏ đẹp, vị chát, chua dịu, dáng dấp của vang Bordeaux.
Lá đài của hoa Bụp giấm chín rất nhanh và chỉ được thu hái trong vòng 15 – 20 ngày sau khi hoa nở lúc chúng còn mềm, không nhăn héo và có mầu đỏ sẫm. Lá đài để tươi, rửa sạch ép lấy nước, pha thêm đường và nước lọc làm đồ uống giải khát. Sắc đài hoa mọng nước lấy nước uống hay hãm uống giúp tiêu hóa và trị các bệnh về mắt. Nó cũng dùng để trị bệnh tim và thần kinh, huyết áp cao, xơ cứng động mạch.
Gần đây, Rovesti và Griebel công bố tác dụng chữa xơ vữa động mạch và tính kháng khuẩn đường ruột cao của Bụp giấm. Các nhà nghiên cứu Malaysia cho biết, nước ép từ lá đài tươi của Bụp giấm có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa bệnh ung thư. Ở Thái Lan, lá đài Bụp giấm phơi khô sắc uống là thuốc lợi tiểu mạnh chữa sỏi thận. Lá và cành chữa ho, hạt bổ dạ dầy. Tại Myanma, hạt Bụp giấm chữa suy nhược cơ thể, còn ở Đài Loan, hạt được dùng để nhuận tràng nhẹ, bổ và lợi tiểu. Hay Philippin, rễ Bụp giấm là thuốc bổ và kích thích tiêu hóa.
Cây Bụp giấm dễ trồng bằng hạt, thích hợp với điều kiện khí hậu nước ta, có thể trồng trong các vườn gia đình để lấy đài hoa làm nước uống và làm thuốc. Các nhà khoa học cho biết, loại hoa này được gọi là Hibiscus (họ bông), trong nước gọi là hoa Bụt giấm, Bụt chua - cây dược liệu quý có tính sinh dược học cao, các hàm lượng vitamin A, B1, C, D, E, F cao và nhiều axít hữu cơ khác.
Các chất đó có tác dụng chống viêm, nhiễm, kháng nấm, kháng khuẩn, tăng cường chức năng tiêu hóa. Hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, nâng đỡ chức năng gan, mật. Giảm cholesterol và triglyceril trong máu, hạn chế sự béo phì do tích mỡ trong máu, bảo vệ thành mạch.
Đông y cho rằng, cây Bụp giấm có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, liễm phế, chỉ khái nên được sử dụng để trị liệu một số bệnh như:
Chữa bệnh gan mật, cao huyết áp: Lấy đài hoa Bụp giấm 9 – 15g, sắc hoặc hãm nước uống.
Chữa cao huyết áp: Dùng cao của đài hoa Bụp giấm trộn cùng hydroxyd nhôm làm viên hoàn tương đương khoảng 0,64g dược liệu. Mỗi lần uống 3 – 5 viên, ngày 2 – 3 lần.
Hỗ trợ trị xơ cứng động mạch: Dùng đài hoa 9 – 15g hãm lấy nước uống hằng ngay thay nước trà.