Các loại thuốc uống không được ngậm
Thật ra, chỉ có thuốc viên được ghi rõ là “dùng bằng cách ngậm” thì mới ngậm chứ các loại thuốc viên khác là không được ngậm. Cũng cần lưu ý, có khá nhiều trường hợp không được ngậm viên thuốc uống và cũng không được phân nhỏ thuốc viên nén ra hoặc không mở viên nang để lấy bột, vi hạt bên trong để sử dụng. Vì làm như vậy không chỉ giảm chất lượng điều trị của thuốc mà còn có thể gây tai biến do thuốc.
Thuốc viên ngậm là thuốc người dùng không nuốt mà giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ. Thuốc viên ngậm ở khoang miệng, thường ở vị trí giữa miệng và răng, sẽ cho tác dụng tại chỗ như gây tê giảm đau, sát trùng, làm thơm (như viên tyrothricin sát trùng miệng họng). Còn thuốc ngậm dưới lưỡi không được nghiền, bẻ nhỏ mà phải giữ nguyên vẹn để đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan (như viên nitroglycerin, sorbitrate sublingual trị đau thắt ngực, dihydroergotamin (ergomar) trị nhức nửa đầu, alphachymotrypsin chống viêm dạng men).
Ảnh minh họa – Internet
Sau đây là một số dạng thuốc không được ngậm mà cần uống nguyên viên thuốc:
Dạng thuốc bao tan ở ruột: Đây là dạng thuốc giúp thuốc không tan rã ở dạ dày mà chỉ tan rã ở đầu ruột non (tá tràng) và phóng thích dược chất ở ruột. Mục đích của thuốc bao tan ở ruột là:
– Ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày gây hại cho niêm mạc dạ dày, thí dụ viên nén bao tan ở ruột Aspirin pH8.
– Ngăn ngừa dược chất bị hủy hoại bởi axít dịch vị, thí dụ viên nang zymoplex chứa các vi hạt bao tan ở ruột, thực chất vi hạt chứa dược chất pancreatin là các enzym tuyến tụy (còn gọi là men tiêu hóa giúp cho việc tiêu hóa thức ăn) bị hủy hoại nếu tiếp xúc với axít dịch vị ở dạ dày và cả nước bọt ở miệng.
Nếu ngậm thuốc viên bao tan ở ruột sẽ làm hỏng lớp bao và làm hại thuốc.
Dạng thuốc phóng thích dược chất kéo dài: Đây là dạng thuốc thường có bao một lớp màng mỏng đặc biệt, sẽ phóng thích dược chất trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài (phóng thích dược chất suốt 12 hoặc 24 giờ, vì vậy chỉ cần uống thuốc 1 hoặc 2 lần trong ngày thay vì uống 3-4 lần đối với dạng thuốc cổ điển cho tác dụng nhanh).
Thuốc này cũng vậy, nếu ngậm thuốc sẽ làm hỏng lớp bao và làm thuốc phóng thích dược chất ồ ạt gây quá liều sẽ rất có hại.
Nên lưu ý chữ viết tắt sau tên thuốc sẽ cho biết dạng thuốc “phóng thích dược chất kéo dài” hoặc “cho tác dụng chậm, cho tác dụng lặp lại, cho tác dụng được kiểm soát” như: Adalate LA (LA: Libération Allongée, Long Acting), Procan SR (SR: Sustained Release), Adalat Retard, Polaramine Repetabs (Repetabs: Repeat-Action Tablets), Carbiset TR (TR: Time Release), Dilacor XR (XR: Extended Release), Dimetapp Extentabs, Ditropan XL (XL: Extended Release), Dina Cire CR (CR: Controlled Release)…
Dạng thuốc sủi bọt: Đây là dạng thuốc phải giữ nguyên viên, thậm chí phải bảo quản thuốc thật tốt, tránh hút ẩm; chỉ uống sau khi hòa tan trong lượng nước vừa đủ để sủi bọt và tan hết hoàn toàn. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống và càng không được ngậm.
Thuốc chứa dược chất rất đắng: Betapen-VK, Cipro, Ceftin, Desyrel, Equanil… là thuốc phải uống nguyên vẹn viên. Nếu bẻ nhỏ, nghiền nát hay chỉ cần ngậm, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức