Các bệnh trẻ dễ mắc vào dịp tết
“Năm nào cũng vậy, đi chơi tết thì vui nhưng sau tết trẻ ồ ạt nhập viện. Các bệnh trẻ thường mắc mùa này viêm đường hô hấp, hen suyễn và dị ứng thức ăn. Do vậy, trước tết phụ huynh cần có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho trẻ, đừng để ba ngày tết cả nhà vào bệnh viện, mất vui” – TS-BS Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp – BV Nhi đồng 1, nói.
Trời lạnh dễ bệnh hô hấp
Theo TS-BS Trần Anh Tuấn, tiết trời trở lạnh những ngày giáp tết khiến trẻ thường bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, dẫn đến viêm hô hấp trên (như viêm mũi, họng, viêm tai giữa và cúm) và hô hấp dưới (viêm phế quản ở trẻ nhỏ hơn 24 tháng tuổi, viêm phổi và viêm thanh khí quản). Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị dị ứng đường hô hấp như hen suyễn và viêm mũi xoang dị ứng.
Tại sao trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp mùa lạnh, theo TS-BS Tuấn, đó là do nhiệt độ thấp, gió… là điều kiện cho vi khuẩn phát triển, trong khi đó sức đề kháng của trẻ yếu, nhất là trẻ có bệnh mạn tính. Ngoài ra, các yếu tố khác như nhà cửa không thông thoáng, trẻ sống chung với người bệnh… cũng là những nguyên nhân lây bệnh hô hấp ở trẻ.
Để giúp trẻ phòng ngừa các bệnh hô hấp, giải pháp trước mắt cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ quần áo, tránh gió lùa, tránh ra đường khi trời rét. Giữ gìn vệ sinh và tắm rửa cho trẻ vào thời điểm trời ấm trong ngày. Cần tiêm vaccine ngừa cúm, phế cầu cho trẻ. “Rửa tay bằng xà phòng và nước là một loại “vaccine” góp phần giảm viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp cho trẻ dưới năm tuổi” – TS-BS Tuấn nói.
Trước, trong và sau tết được xem là cao điểm của bệnh hô hấp khiến trẻ nhập viện nhiều. Ảnh: TÙNG SƠN
Bệnh suyễn: Cần mang thuốc dự phòng
Mùa lạnh cũng là mùa trẻ dễ bị dị ứng hô hấp gây suyễn. BS Lê Thị Ngọc Bích, khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, khuyến cáo trẻ lên cơn suyễn có các dấu hiệu ho, khò khè, thở mệt, nặng ngực, lúc này cần xử lý cắt cơn suyễn cho trẻ. Tuy nhiên, nên mang trẻ đến BV ngay khi trẻ nói năng khó nhọc, ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ, cánh mũi phập phồng, tím tái…
Trước khi trẻ đi chơi tết phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ hướng dẫn, cho toa thuốc dự phòng mang theo. Vì đã có trường hợp đi du lịch ở xa, nửa đêm trẻ lên cơn suyễn mà không có thuốc thì rất nguy hiểm. Các bác sĩ cũng đề nghị phụ huynh tránh cho con tiếp xúc với các nguồn có thể gây dị ứng suyễn như lông chó mèo, khói nhang, khói thuốc…
Cẩn thận với thức ăn gây dị ứng
Ngày tết cũng là ngày trẻ ăn nhiều vì có lắm thứ ngon, lạ miệng. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn thận khi ăn uống vì trẻ dễ bị ngộ độc, tiêu chảy hoặc dị ứng thức ăn. Có nhiều trẻ bị dị ứng nhưng phụ huynh không biết con mình bị dị ứng loại thức ăn nào để báo bác sĩ nên việc tìm hiểu, điều trị mất nhiều thời gian.
ThS-BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1, cho biết các loại thức phẩm gây ra đến 90% dị ứng thức ăn ở trẻ. Dễ gây dị ứng nhất là sữa, thứ đến là đậu phộng, trứng, đậu nành, các loại hạt, cá, sò ốc… Ở Việt Nam chưa có thống kê dị ứng ở trẻ nhưng tại Singapore có 4%-5% trẻ từ sáu đến 12 tuổi bị dị ứng thức ăn; Nhật có hơn 12% trẻ dưới sáu tuổi mắc mỗi năm… Tại Mỹ, mỗi năm có 300.000 ca sốc phản vệ do thức ăn.
Biểu hiện của dị ứng tức thì (xảy ra từ 20 đến 40 phút): Nổi mề đay, ói, hồng ban quanh miệng, viêm mũi, ho, tiêu chảy; trễ hơn (trong một tuần): tiêu lỏng, táo bón, chàm mạn, suy dinh dưỡng… Nguy hiểm nhất của dị ứng thức ăn là gây sốc phản vệ và có khả năng tử vong.
Để biết trẻ bị dị ứng thức ăn nào mà đề phòng, phụ huynh cần ghi nhật ký thức ăn của trẻ, những loại nào trẻ dị ứng thì loại khỏi thực đơn. Theo BS Phúc, điều trị dị ứng thức ăn là loại trừ thực phẩm gây dị ứng chứ không có thuốc điều trị đặc hiệu và chữa khỏi. Việc chẩn đoán một trẻ bị dị ứng là rất khó, phải chứng minh được trẻ bị dị ứng thức ăn nào đó để loại trừ. Có trẻ dị ứng sữa bò nhưng trẻ không hề uống sữa bò mà là… ăn kẹo, do bố mẹ dùng dao có dính sữa bò cắt bánh mì cho trẻ ăn khiến trẻ bị dị ứng…