Bà bầu cần lưu ý khi tắm nước nóng
Tắm nước nóng, xông hơi quả là ý tưởng tuyệt vời trong những ngày lạnh buốt, nhưng các mẹ bầu thì khác, cần phải lưu ý tới sức khỏe của thai nhi và những rủi ro tiềm ẩn.
Trước tiên, phụ nữ mang thai tắm nước nóng, xông hơi tiềm ẩn nguy cơ cao bị mất nước, mẩn đỏ và hạ huyết áp. Cụ thể hơn, khi tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ quá nóng, đột ngột, thì khả năng gặp phải các tình trạng trên là rất cao.
Hiện tượng hạ huyết áp xảy ra trong thai kỳ khiến hạn chế lượng máu được chuyển tới cho thai nhi. Thậm chí, trong ba tháng đầu thai kỳ, việc mẹ bầu tắm nước quá nóng, xông hơi nhiệt độ cao có thể gây nguy hiểm vì đây là thời kỳ em bé đang phát triển não bộ và cơ thể.
Mẹ bầu không nên tắm nước nóng quá 36 độ C. (Ảnh minh họa)
Nước nóng hoặc phòng xông hơi có thể làm nóng nước ối, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Hơn nữa, khi xông, cơ thể mẹ thoát mồ hôi, nhưng bé nằm trong bụng lại không tuân theo quy tắc đó, dẫn tới hạn chế nguồn ô-xy cung cấp. Nghiêm trọng hơn là phá hủy các tế bào của em bé đang hình thành, còn rất non nớt.
Mẹ bầu cần lưu ý, nếu nước nóng hoặc xông hơi khiến nhiệt độ cơ thể tăng trên 38 độ C thì nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của bé trong 3 tháng đầu tiên và mất nước về sau trong thai kỳ.
Phụ nữ mang thai chỉ nên xông hơi sau khi sinh nở và có hướng dẫn của bác sỹ. Ngoài ra, để tắm an toàn trong mùa Đông, bạn cần chú ý một số điểm sau.
Sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ nước để đảm bảo nước an toàn cho em bé. Cụ thể, nước không nên nóng quá 36 độ C. Mẹ bầu cũng có thể kiểm tra nước bằng cách dùng khuỷu tay hoặc cánh tay bởi vùng da ở các khu vực này là nơi nhạy cảm về nhiệt độ nhất trong cơ thể.
Tránh tắm nước nóng ngay sau khi ăn. Thời gian tắm tốt nhất là buổi trưa hoặc chiều tối, không nên chọn vào buổi sáng hoặc tối muộn vì dễ gây thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Bạn nên trang bị đèn sưởi trong phòng tắm vào mùa Đông. Không chỉ giúp giữ ấm, mà đèn còn mang lại cảm giác thoải mái, giảm stress, mệt mỏi.