Tác dụng của Rau cần nước
Theo y học cổ truyền, rau cần có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, sáng mắt, giảm áp suất máu… Tất cả các bộ phận của cây rau này đều có tác dụng chữa bệnh. Với đặc tính là cung cấp nhiều chất xơ nên rau cần có tác dụng loại trừ các chất thải có độc trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra, hương thơm của rau cần còn kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp.
Dưới đây là những cách dùng rau cần để trị bệnh theo hướng dẫn của lương y Hoài Vũ và lương y Như Tá:
1. Ho lâu ngày
Dùng 1/2 kg rau cần (để cả rễ) rửa sạch, vò nát (hoặc ép) lấy nước, cho thêm tí muối rồi đem chưng cách thủy để uống mỗi lần 1 chén nhỏ vào hai bữa sáng và tối. Dùng liên tục vài ngày như thế.
2. Mất ngủ
Lấy 100g rễ rau cần, 9g nhân hạt táo chua đem nấu chung lấy nước uống.
3. Đau đầu
Dùng một lượng rễ rau cần vừa đủ, rửa sạch, vò nát, rồi đem rán với trứng gà để dùng ngày 2 lần.
4. Sau sinh bị đau bụng
Dùng 60g rau cần đem nấu với một ít đường đỏ và ít rượu mùi, uống lúc bụng đói.
5. Máu nhiễm mỡ
Lấy 10 cây rau cần giã nát với 10 trái táo tàu, vắt lấy nước, đun sôi chia uống 2 lần trong ngày, uống khoảng 15 – 20 ngày cho một đợt điều trị.
6. Viêm gan mãn tính
Lấy 200g rau cần giã nát, vắt lấy nước cốt, pha thêm với 50g mật ong, ngày uống 2 lần liên tục trong một thời gian dài.
7. Kinh nguyệt có sớm
Rau cần tươi 100g (rau khô thì khoảng 30g) đem nấu nước uống. Ngày một liều, liên tục trong 1 – 2 tháng.
8. Viêm khớp tay và chân
Bệnh thần kinh do phong thấp: Dùng rau cần tươi ép lấy nước cho thêm một ít đường trắng vừa đủ, rồi đun sôi lấy nước uống trong ngày.
9. Bị mưng nhọt do nhiệt độc
Rau cần tươi 50 – 100g, bồ công anh, bại tương thảo lượng vừa đủ cùng giã nát đắp vào chỗ đau.
10. Khó đi tiểu
Dùng rau cần tươi từ 50 – 100g đem luộc lấy nước uống.
11. Trẻ con nôn ói và tả
Rau cần đem nấu nước, cho thêm đường uống.
Lưu ý, người có bệnh vảy nến thì không nên dùng rau cần; còn người có tỳ vị hư nên ăn ít rau cần.